Bị nổi mề đay khi tập thể dục
Thường mỗi khi tập thể dục, chị Phan Thị Minh Hương (23 tuổi, ở TP.HCM) lại bị nổi mề đay. Ngày 28/11, chị đang chạy bộ thì người bỗng nổi mề đay, ngứa, khó thở, tím tái, chóng mặt rồi té ngã. May mắn, chị được đưa vào bệnh viện tư nhân gần nơi ở cấp cứu.
BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương, Khoa Cấp cứu cho biết, chị Hương được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm 70/40 mmHg (mức bình thường 120/80 mmHg)... Bác sĩ nhận định, nữ bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức.
Nổi mề đay khi tập thể dục là dấu hiệu nguy hiểm, người có triệu chứng này cần dừng luyện tập và đi khám ngay (Ảnh minh họa)
Ngay lập tức, chị Hương được tiêm thuốc điều trị phản vệ trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo dõi chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu.
Sau 2 giờ cấp cứu, chị Hương giảm ngứa, mắt và môi giảm sưng, hết khó thở, huyết áp về ngưỡng an toàn, mạch ổn định trở lại. Hiện nữ bệnh nhân đã khỏe và được xuất viện.
Theo bác sĩ Khương, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm với một số yếu tố nguy cơ như: thuốc, nọc động vật, trứng, hải sản, đậu phộng… Tình trạng này xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (dị nguyên). Dấu hiệu của bệnh thường là phù mạch, nổi mề đay, khó thở, chảy nước mắt, tụt huyết áp… Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong.
Ở trường hợp của chị Hương, bác sĩ Khương giải thích, chị bị sốc phản vệ 3 là do thường nổi mề đay khi tập thể dục. Lần này, do chị vận động ở cường độ cao nên rơi vào sốc phản vệ. May mắn, người nhà biết sơ cứu ban đầu và đưa nữ bệnh nhân đi cấp cứu kịp.
Chị Phan Thị Minh Hương khi đang điều trị ở bệnh viện (Ảnh: BVCC)
Khi bị ngứa, khó thở hãy ngưng tập thể dục ngay
Theo PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tập luyện thể dục, thể thao giúp tăng cường, duy trì sức khỏe, chống lão hóa, có tác dụng hữu ích trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện của nhiều bệnh mãn tính. Cụ thể, duy trì hoạt động thể chất hằng ngày được báo cáo là làm tăng tuổi thọ thêm 8 - 10 năm và ngăn ngừa được các bệnh mãn tính so với lối sống ít vận động. Tập luyện thể dục, thể thao cường độ nhẹ, chẳng hạn như đi bộ nhanh có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát huyết áp ở những người bị tăng huyết áp, cải thiện một số thông số trao đổi chất và các yếu tố nguy cơ ở bệnh tiểu đường, có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm toàn thân mức độ thấp...
Tuy nhiên, việc tập thể dục trong thời gian dài, quá sức và thiếu khoa học có thể gây ra các biến cố nguy hiểm, nhất là những người bị dị ứng khi tập như trường hợp của chị Hương. "Tập thể dục nâng cao sức khỏe rất là tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện thì có thể gây chấn thương và các tai nạn nguy hiểm khác", tiến sĩ Kha chia sẻ.
Theo bác sĩ Khương, mọi người cần lưu ý đến các thực phẩm nghi ngờ có thể gây dị ứng cho mình và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng khi tập thể thao. Ngoài ra, khi tập thể dục, cần tránh tập trong mùa dễ bị dị ứng và khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng sốc phản vệ, cần ngừng luyện tập và nghỉ ngơi. Để yên tâm hơn, chúng ta cần luôn mang theo thuốc và điện thoại di động khi luyện tập.
"Người bình thường trước khi chơi thể thao nên kiểm tra thể lực, gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng hay tiền sử dị ứng hay không. Nếu có vấn đề gì bất thường, nên chọn môn tập và chọn khối lượng vận động phù hợp, nếu không có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ", tiến sĩ Kha khuyến cáo.
Bác sĩ Khương cũng cho rằng, mọi người khi tập thể dục nếu thấy ngứa, nổi mề đay phải dừng ngay, đến cơ sở y tế uy tín để tìm nguyên nhân và được hướng dẫn môn thể thao phù hợp với mình. Trong trường hợp không may xảy ra sốc phản vệ, người bệnh cần được sơ cứu ban đầu tại chỗ bằng cách đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, giữ đường thở thông thoáng và gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
* Tên nữ bệnh nhân đã thay đổi.