Mới đây, một tài khoản trên TikTok mang tên @nothanksalex đã chia sẻ một video về mức độ đau đớn khi phải đối mặt với bệnh viêm tuyến Bartholin. Alex, 22 tuổi hiện sống tại California kiêm chủ tài khoản TikTok này cho biết, cô có khả năng chịu đau rất cao vì đã từng trải qua 26 lần phẫu thuật âm hộ.
Trong video, cô gái trẻ thẳng thắn chia sẻ về cuộc chiến chống lại bệnh viêm tuyến Bartholin và quá trình điều trị đau đớn đã trải qua. Tình trạng sức khỏe này làm hình thành các khối u nang nằm ở hai bên cửa âm đạo và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc đau đớn nếu không được giải quyết kịp thời.
Theo Alex: "Cơ thể bao bọc vi khuẩn và biến chúng thành một quả bóng nhỏ. Nếu không được giải quyết kịp thời, u nang sẽ ngày càng phát triển lớn hơn"
Alex giải thích trong video, Bartholin là các tuyến tiết ra chất lỏng có nhiệm vụ giữ cho âm đạo được bôi trơn. Khi các ống dẫn liên kết với tuyến này bị tắc, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong và tích tụ mủ. Trên thực tế, bạn có thể tự kiểm soát bệnh bằng cách ngâm nước nóng thường xuyên và các nang sẽ tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, với trường hợp của Alex, cô bị tái phát nhiều lần nên cần có sự can thiệp của thuốc và phẫu thuật dẫn lưu để không gây nhiễm trùng.
Sau khi gây tê bằng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ ở nang, sử dụng thiết bị để hút dịch ra ngoài. Cô gái trẻ cho biết: "Điều này thật kinh khủng và khó chịu. Tôi đã trải qua tới 26 lần phẫu thuật".
Trong một đoạn video tiếp theo, Alex chia sẻ với mọi người về cảm giác khi u nang hình thành trong cơ thể. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào ống dẫn liên kết với tuyến Bartholin, cơ thể sẽ cố gắng tự bảo vệ bằng cách "bao bọc" vi trùng gây hại, từ đó tạo ra các nang chứa đầy mủ.
Cô gái trẻ còn cảnh báo: "U nang nằm ở một ống dẫn bên trong môi âm hộ. Chúng không phát triển trên bề mặt da nên rất có thể ngay từ đầu, bạn sẽ không nhìn thấy nó. Tuy nhiên, bạn vẫn cảm nhận được chúng giống như một viên bi cứng nhỏ".
U nang tuyến Bartholin là gì?
Mặc dù hiện nay không có cách toàn vẹn nào để ngăn ngừa mắc viêm tuyến Bartholin, bạn có thể hạn chế nguy cơ phát triển tình trạng này bằng việc vệ sinh vùng kín thường xuyên và quan hệ tình dục an toàn.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, viêm tuyến Bartholin, còn được gọi là u nang tuyến Bartholin, áp xe tuyến Bartholin, xảy ra khi mủ tích tụ tạo thành một khối u trong tuyến Bartholin. Chúng xuất hiện ở hai bên cửa âm đạo và thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường cho tới khi phát triển lớn hơn.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là sự tích tụ chất lỏng và tắc nghẽn trong tuyến Bartholin. Một số chuyên gia tin rằng vi khuẩn E. coli và các vi khuẩn gây bệnh về đường tình dục như lậu, chlamydia cũng góp phần làm hình thành bệnh.
Viêm tuyến Bartholin gây ra triệu chứng nào?
Nếu u nang phát triển đủ lớn, bạn có thể cảm nhận chúng giống như một cục u nằm gần cửa âm đạo. Trong trường hợp nghiêm trọng, khi bị nhiễm trùng, người mắc viêm tuyến Bartholin sẽ gặp phải các triệu chứng dữ dội hơn như sưng tấy và mẩn đỏ ở vùng kín, đau khi ngồi hoặc đi bộ, sốt, đau khi quan hệ tình dục và tiết dịch âm đạo.
Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị u nang tuyến Bartholin?
Bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có mắc viêm tuyến Bartholin bằng cách khám vùng chậu. Theo Viện Mayo, với người trên 40 tuổi, họ có thể đề nghị sinh thiết để phát hiện ung thư kịp thời.
Trên thực tế, những u nang Bartholin nhỏ và không bị nhiễm trùng có khả năng tự biến mất trong một thời gian điều trị tại nhà. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật dẫn lưu như của cô gái trẻ trên.
Bạn cũng có thể lựa chọn các phương pháp khác để giảm bớt sự khó chịu và khiến u nang tự biến mất bằng cách ngâm nước ấm 4 lần một ngày. Trong trường hợp mắc viêm tuyến Bartholin tái phát, bác sĩ sẽ đề xuất hai phương pháp điều trị lâu dài là mở thông nang hoặc cắt bỏ tuyến Bartholin. Với phương pháp mở thông nang, bác sĩ sẽ rạch một vết ở nang nhưng thay vì đóng lại hoàn toàn, họ sẽ để mở một lỗ nhỏ nhằm cho phép dịch thoát ra liên tục.
Nguồn: Health