Bác sĩ tiết niệu Dai Dingen (Trung Quốc) cho biết, nhịn tiểu là một hành vi phổ biến trong xã hội hiện đại. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần nhịn tiểu vì lý do chủ quan hoặc khách quan khác nhau nhưng lại rất ít người nắm được tác hại của nó.
Trong số bệnh nhân gần đây nhất của ông, có một cô gái mới ngoài 20 tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu do đặc thù công việc. Cụ thể, cô gái tìm đến bệnh viện của bác sĩ Dai vì cho rằng mình bị viêm nhiễm phụ khoa. Bởi vì vài tháng trước đó, cô bắt đầu bị khó chịu vùng kín mỗi khi đi tiểu. Cô cũng đã tự tìm đến hiệu thuốc mua một vài loại dung dịch vệ sinh và thuốc đặt có tác dụng điều trị viêm nhiễm, đồng thời đổi một loạt đồ lót mới nhưng vẫn không có tác dụng.
Ảnh minh họa
Gần đây, cảm khác khó chịu ngày càng tăng, chuyển thành nóng rát, đau buốt vùng kín và bụng dưới mỗi lần tiểu tiện khiến cô lo lắng vô cùng. Công việc bận rộn khiến cô cứ chần chừ đi khám mãi, đến khi các triệu chứng này đi kèm sốt nhẹ và mệt mỏi cô mới chịu xin nghỉ tới gặp bác sĩ.
Kết quả kiểm tra cho thấy cô gái trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu rất nặng. Ngoài các triệu chứng bệnh nhân đã kể thì còn phát hiện nước tiểu sẫm màu, có lẫn một chút máu. Điều tra bệnh sử được biết cô gái này làm nhân viên bán hàng. Bởi vì muốn tăng hiệu quả công việc, được đánh giá cao nên cô thường xuyên nhịn tiểu. Biết mình phải đứng nhiều, nhịn tiểu sẽ khó nên cô gái còn gần như không dám uống nước trong giờ làm.
Theo giải thích của bác sĩ Dai, việc nhịn tiểu thường xuyên khiến nước tiểu bị ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Từ đó, chúng tấn công hệ tiết niệu, nhất là bàng quang và niệu đạo. Hơn nữa, cô gái này còn uống thiếu nước trong thời gian dài, tổng lượng nước uống 1 ngày chưa đến 500ml gây tổn thương thận.
Bác sĩ nhắc nhở 6 tác hại khôn lường từ thói quen nhịn tiểu
Bác sĩ Dai Dingen giải thích, nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary tract infection - UTI) là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến phần dưới hệ tiết niệu - bàng quang và niệu đạo.
Bệnh này rất phổ biến ở người trưởng thành và thường gặp nhiều hơn ở nữ giới so với nam giới. Đó là do cấu tạo sinh lý và cơ quan sinh dục của phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Ông cũng nhắc nhở, nhịn tiểu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Biểu hiện của bệnh bao gồm:
- Cảm giác rát buốt khi bạn đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, thậm chí khi bạn chỉ rặn ra được một ít nước tiểu
- Đau tức lưng hoặc bụng dưới
- Cảm giác mệt mỏi hoặc run rẩy
- Sốt hoặc rét run (Dấu hiệu có thể nhiễm trùng đã lan lên thận)
Ảnh minh họa
Giống như cô gái trẻ vừa kể trên, bác sĩ Dai cho biết chúng ta không khó để bắt gặp những người có thói quen nhịn tiểu. Hành vi này gây hại hơn rất nhiều so với bạn nghĩ, thậm chí có thể gây tử vong:
Đi tiểu bất thường
Bất thường khi đi tiểu bao gồm đau đớn, nóng rát khi đi tiểu hoặc tiểu buốt, tiểu rắt, không thể tiểu. Ngoài ra, nhịn tiểu lâu năm còn dẫn tới luôn tiểu không hết, bị rò rỉ nước tiểu hoặc tiểu không kiểm soát do mất khả năng kiểm soát các cơ vòng ngoài bàng quang.
Sỏi thận
Thận đóng vai trò rất quan trọng trong hệ bài tiết, nên khi chúng ta nhịn tiểu thì các chất cặn bã có trong nước tiểu bị ứ đọng lại, lâu ngày các chất cặn bã này tăng cao kết tinh thành thể rắn ngưng tụ lại gây bệnh sỏi thận.
Viêm bàng quang kẽ
Nhìn tiểu lâu ngày có thể làm cho bàng quang bị suy giảm chức năng, thậm chí gây viêm bàng quang kẽ. Viêm bàng quang kẽ là viêm bàng quang không nhiễm khuẩn, nó gây ra đau (vùng trên mu, vùng chậu, bụng), tiểu rắt, tiểu gấp và tiểu són. Bệnh này chỉ có thể điều trị cải thiện triệu chứng và gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhịn tiểu quá lâu sẽ khiến nước tiểu ứ đọng, vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể, không đào thải được ra ngoài qua niệu đạo dẫn đến viêm niệu đạo (phổ biến hơn ở nữ giới) hoặc viêm bàng quang. Thậm chí vi khuẩn còn có thể tấn công thận gây nhiễm trùng thận, dẫn đến viêm thận. Nhịn tiểu cũng gây ra chứng tiểu gấp, tiểu rắt hay tiểu không hết. Từ đó vi khuẩn dễ sinh sôi trong nước tiểu ứ đọng ở cơ quan sinh dục và tấn công đường tiết niệu.
Vỡ bàng quang
Cần hiểu rằng bàng quang con người cũng như một cái túi, trung bình chứa được 250 - 300ml nước. Khi dung tích bàng quang khoảng 400ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn gây cảm giác mót tiểu, nếu thường xuyên bị căng và nhịn tiểu lâu có thể gây vỡ bàng quang nguy hiểm tính mạng.
Suy thận
Nhịn tiểu quá lâu làm nước tiểu chảy ngược về thận gây suy thận. Nó khiến thận không thể lọc các độc tố và chất thải ra khỏi cơ thể, đau đớn và bất tiện khi sinh hoạt hàng ngày chứ không chỉ liên quan đến đi tiểu. Khi thận suy quá nặng thì chạy thận hoặc thậm chí ghép thận là phương pháp bắt buộc.
Ngoài ra, bác sĩ Dai cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở một số người. Ví dụ như người bị cao huyết áp nếu nhịn đi tiểu sẽ khiến thần kinh hưng phấn, dẫn đến huyết áp tăng, tim đập nhanh, lượng oxy tiêu hóa gia tăng, gây ra xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim rất có thể dẫn đến đột tử.
Nguồn và ảnh: Topick, Family Doctor, Sohu