Với các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay, khoảng ngày thứ 14 trở đi, cơ thể người được tiêm ngừa đã bắt đầu có kháng thể, phát huy đồng thời 3 tác dụng: giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ bệnh nặng và giảm nguy cơ lây cho người khác.
Phủ vắc-xin cho vùng phong tỏa có rất nhiều lợi thế. Đầu tiên là mọi người lúc đó đều ở yên tại chỗ, việc triển khai các đội tiêm xuống tận nơi sẽ tiết kiệm nhiều công sức.
Thứ hai, nếu được tiêm ngay ngày đầu tiên, tác dụng của vắc-xin sẽ bắt đầu phát huy ngay thời điểm tối thiểu mà việc phong tỏa kết thúc, tức khoảng 14 ngày. Các nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy kháng thể trung hòa trong cơ thể những người được tiêm chủng vào mốc 14 ngày sau khi tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Miễn dịch có rồi thì khó lây lắm, giúp chặn lây lan, cắt "cầu nối" virus từ người này sang người khác.
Vì vậy, vào mốc sau 14 ngày, nếu bạn không bị bệnh và khu vực không còn phong tỏa thì bạn đã an toàn hơn, cũng như khu vực đó giảm hẳn nguy cơ bị tái phong tỏa. Nếu sau 14 ngày, khu vực tiếp tục phát hiện F0, tiếp tục phong tỏa thì cũng hạn chế được tình trạng chuỗi lây cứ lòng vòng mãi trong khu vực, kéo dài mãi cho đến khi nào bệnh hết xóm đó, khu đó mới thôi - nhất là khi trong khu vực phong tỏa đó, người dân vẫn chưa chấp hành tốt, vẫn "tám" với hàng xóm nên mầm bệnh cứ "dắt dây" nhà này sang nhà kia.
Nhân viên y tế thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP HCM lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại nhà (Ảnh: HUẾ XUÂN)
Nếu đã được tiêm vắc-xin 1 mũi thì sau 14 ngày, ít nhất trong 100 ca F0, sẽ có khoảng 30 ca không lây cho ai. Cộng thêm khả năng khó bị mắc bệnh hơn, giảm ca nặng, cục diện sẽ sớm thay đổi ở phường đó, quận đó sau vài tuần, vì theo thời gian, lượng kháng thể của họ sẽ còn tăng.
Nên hiểu ca bệnh trong khu vực được phong tỏa vẫn là ca bệnh, vẫn tạo thêm áp lực cho khối điều trị, vẫn có thể dẫn tới điều không ai mong muốn là những ca bệnh nặng, những ca tử vong. Vì thế, trong khu phong tỏa, nên chú ý tiêm trước cho những người già, có bệnh nền.
Nếu mới tiêm mà một vài ngày sau đã phát hiện mình dương tính hay dương tính mà không biết, vẫn tiêm, cũng không sao hết. Không có chuyện tiêm chủng khi trong cơ thể có virus làm bệnh nặng thêm, virus nhiều thêm, vì trong vắc-xin hoàn toàn không có con virus. Cả 2 công nghệ vector virus (AstraZeneca) và mRNA (Pfizer và Moderna) đều chỉ đem vào cơ thể những vật liệu di truyền cần thiết để cơ thể sinh ra kháng thể. Nên nếu mới tiêm thì vắc-xin không ảnh hưởng đến mức độ nặng của bệnh.
Vì vắc-xin không mang virus nên cũng đừng "đổ lỗi" cho vắc-xin nếu ít ngày sau bạn dương tính. Tiêm vắc-xin không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm RT-PCR lẫn xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà chúng ta đang dùng hiện nay vì 2 dạng này chỉ tìm kiếm dấu vết của virus, không tìm kháng thể.
Còn ai đã tiêm mũi 1 khá lâu mà bị bệnh: cứ coi như mình tiêm mũi 2; ai tiêm 2 mũi rồi mà bệnh thì cũng giống như tiêm thêm mũi 3. Không những bệnh không nặng thêm mà còn nhẹ đi, nhờ vắc-xin phát huy tác dụng.
Hai mũi vắc-xin Covid-19 cách nhau 8-12 tuần là tốt nhất, trong một số trường hợp có thể tiêm sớm trong giai đoạn 4-12 tuần. Còn với những người mà thời gian qua vì "kẹt" phong tỏa nên chưa được tiêm mũi 2 trước khi hết 12 tuần, cũng không sao cả. Vì các nghiên cứu mới về vắc-xin AstraZeneca - loại vắc-xin nước ta đã triển khai trong giai đoạn đầu - cho thấy tiêm cách nhau tới 18 tuần vẫn không làm giảm hiệu quả.