Ảnh minh họa
Mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng thấp
Do nguồn năng lượng ở mức rất thấp nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức.
Nếu không ăn sáng, dạ dày sẽ nôn nao, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Dần dần khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Khả năng ghi nhớ và sức tập trung kém
Khi bạn đói, việc cung cấp glucose vào não bị giảm nên gây ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng ghi nhớ và sức tập trung dẫn đến không thể làm việc hiệu quả được.
Hạ đường huyết
Lượng đường trong máu của những người khỏe mạnh đều được duy trì ổn định giữa các bữa ăn. Nếu bạn không cung cấp thức ăn cho cơ thể, kết quả học tập và làm việc của bạn trong ngày đó sẽ suy giảm.
Đường có tác dụng như nhiên liệu của một cơ thể. Nếu thiếu đi nguồn nhiên liệu này, tất cả các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng và bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt.
Tăng nguy cơ bệnh tiểu đường
Bỏ bữa ăn làm cho tế bào gan ngừng đáp ứng với insulin - một loại hormone chịu trách nhiệm phá vỡ đường. Điều này có nghĩa là gan không nhận được tín hiệu để ngừng sản xuất glucose và tiếp tục bơm glucose vào máu. Lượng đường dư thừa này tích tụ trong máu lâu dài có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2 khó chữa.
Tích trữ mỡ
Nếu cơ thể không nhận được đủ lượng calo cần thiết, cơ thể sẽ hiểu rằng đây là dấu hiệu cảnh báo về một " thảm họa" sắp xảy đến và có thể cơ thể sẽ rơi vào “trạng thái đói kém”. Cơ thể sẽ khởi động một phản xạ bảo vệ để tích trữ năng lượng cho các tình huống xấu sau này, đồng nghĩa với việc calo sẽ không được đốt cháy và bạn sẽ không giảm được cân nào.
Khi cơ thể bạn nghĩ rằng bạn đang bị đói, nó sẽ tìm cách điều khiển để bạn ăn những thực phẩm có hàm lượng chất béo và đường cao để đảm bảo đủ lượng calo cần để bạn hoạt động một cách hiệu quả. Điều đó có nghĩa là không chỉ không giảm được cân nào mà rất có thể bỏ bữa còn khiến bạn tăng cân nữa.
Bỏ bữa có thể làm bạn tăng cân
Nhiều người tin rằng nhịn ăn có thể giúp bạn giảm cân nhanh chóng, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng nó có thể phản tác dụng và khiến bạn dễ tăng cân hơn, đặc biệt là khi bạn thường xuyên bỏ bữa ăn sáng.
Ăn quá mức sau khi nhịn đói cũng là một phần nguyên nhân của việc tăng cân. Thực tế, duy trì chế độ ăn uống điều độ với đầy đủ bữa ăn cùng hàm lượng dưỡng chất hợp lý mới là yếu tố quyết định hiệu quả của quá trình giảm cân.
Cơ bắp yếu hơn
Bỏ bữa sau khi tập luyện thể dục thể thao là một ý tưởng tồi. Các bài tập tiêu thụ một lượng lớn calo/protein của cơ thể. Khi bạn không hấp thu đủ calo và protein, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc hồi phục và tăng sức mạnh cơ bắp. Các bó cơ cần axit amin từ protein để phát triển và hồi phục.
Rối loạn quá trình trao đổi chất
Khi bạn đói hoặc bỏ bữa, hệ thống trao đổi chất của cơ thể cũng thay đổi, đó là lý do tại sao cơ thể không đốt thêm calo mà chỉ lưu giữ chúng như chất béo. Do đó, bỏ bữa không chỉ làm quá trình trao đổi chất giảm sút mà còn có thể dẫn đến tăng cân.
Ngoại hình xuống cấp trầm trọng
Khi nhịn ăn cơ thể của chúng ta sẽ mất đi một lượng nước có chứa các loại khoáng chất trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin và protein. Việc bỏ qua các bữa ăn trong ngày sẽ khiến làn da bị khô, nhăn nhúm kém căng mịn và tóc thiếu sức sống do thiếu collagen. Thậm chí miệng của bạn có thể tỏa ra mùi hôi nữa.
Xuất hiện các vấn đề về dạ dày
Khi không ăn uống thường xuyên, đúng bữa, sẽ gây nguy hại cho hệ tiêu hóa bởi lượng axit trong dạ dày vẫn được tạo ra mặc dù không có gì để nó tiêu hóa. Lượng axit này chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày và dẫn đến bệnh viêm loét hoặc một số bệnh khác có liên quan.
Bên cạnh đó, việc bỏ qua bữa ăn sẽ khiến nhu cầu xả thải của cơ thể bị xáo trộn, dẫn đến tình trạng táo bón hay đau bụng.