Phát hiện mắc ung thư khi chưa có phương pháp bảo tồn chức năng sinh sản
Hơn 5 năm trước, chị Hoàng Thị Liễu (45 tuổi, quê An Giang) thấy bụng to và đau bất thường nên đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám. BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại Phụ khoa của bệnh viện là người trực tiếp khám và phẫu thuật cho chị. Từ các kết quả chụp chiếu, bác sĩ Tiến chẩn đoán chị mắc ung thư buồng trứng giai đoạn muộn, cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị sau đó để kiểm soát tế bào ung thư. “Bệnh nhân này đáp ứng tốt với phương pháp điều trị của chúng tôi và được xuất viện sau khi trải qua hết các đợt hóa trị”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Những năm qua, chị Liễu tuân thủ việc thăm khám và các phương pháp điều trị ung thư của bác sĩ, ăn uống khoa học, vận động thường xuyên nên đang kiểm soát tốt tế bào ung thư. Tuy nhiên, khi phẫu thuật ung thư chị phải cắt toàn bộ tử cung, 2 bên buồng trứng nên không thể sinh con, khiến cuộc sống vợ chồng chị dần rơi vào bế tắc.
Bác sĩ Tiến đang cùng các đồng nghiệp phẫu thuật ung thư buống trứng cho bệnh nhân khác. Ảnh: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Chồng chị dù trước đây đồng hành cùng vợ chữa ung thư, nhưng anh muốn có con để nối dõi tông đường. “Bây giờ, anh ấy đang muốn có con với người khác”, chị Liễu tâm sự với bác sĩ Tiến. Điều này làm chị buồn, tự dằn vặt bản thân và tiếc khi trước đây đã chủ quan, không đi khám bệnh sớm.
Mới đây, chị Liễu đọc được thông tin về trường hợp khác cũng mắc ung thư buồng trứng như mình đã sinh được con trai khỏe mạnh, nặng 3,2kg. Ca bệnh này cũng do bác sĩ Tiến là người trực tiếp khám và phẫu thuật. Ngay sau đó, chị nhắn tin cho bác sĩ Tiến trách và hỏi tại sao hai người cùng mắc bệnh như nhau mà người có con, người lại không.
“Tại thời điểm bệnh nhân này phát hiện mắc bệnh, kỹ thuật bảo tồn chức năng sinh sản cho người mắc ung thư chưa có. Khi đưa ra phương pháp điều trị cho người bệnh, chúng tôi luôn lựa chọn hướng điều trị tốt nhất, làm sao giảm thiểu được các đau đớn cho họ. Đọc tin nhắn của người bệnh ung thư mà mình trực tiếp phẫu thuật, dù bị họ trách, tôi cũng chỉ biết nói xin lỗi em ấy mà thôi”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Phương pháp bảo tồn chức năng sinh sản chỉ áp dụng với bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn sớm
Theo bác sĩ Tiến, ung thư buồng trứng là một trong những bệnh lý ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ. Bệnh còn được gọi là “sát thủ thầm lặng”, vì bệnh nhân ít có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn đầu.
Thông thường, khi mắc bệnh này, các chị em sẽ phải điều trị triệt để là cắt toàn bộ tử cung và 2 buồng trứng, vì phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Chính điều này, khiến các chị em sẽ khó hoặc không thể sinh con.
Bác sĩ Tiến đang thăm khám cho một bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư buồng trứng. Ảnh: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Với sự tiến bộ của y khoa hiện nay, phương pháp điều trị các bệnh ung thư phụ khoa bắt đầu mở rộng bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh, trong đó có ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, điều kiện là người bệnh phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tuổi còn trẻ, chưa sinh con.
“Trường hợp tôi chia sẻ có thể sinh được con là người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tuổi còn trẻ, chưa sinh con. Đây là trường hợp ung thư buồng trứng sinh được con nhờ bảo tồn chức năng sinh sản đầu tiên mà khoa chúng tôi thực hiện. Trường hợp của chị Liễu, vì phát hiện phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và đã hơn 40 tuổi. Tôi rất tiếc”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bác sĩ Tiến cho biết, không chỉ chị Liễu mà còn khoảng 70% các chị em phụ nữ phát hiện ung thư phụ khoa, trong đó có ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn vì chủ quan, bỏ qua dấu hiệu cảnh báo. Chính vì điều này đã khiến các chị em không chỉ khó sinh con, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bản thân. Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo, các chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư thường xuyên để phát hiện sớm bệnh nhằm có thể kéo dài tuổi thọ, giữ được chức năng thiêng liêng của người phụ nữ.
* Tên người bệnh đã thay đổi.