Cua lông là một món đặc sản có giá khá "đắt đỏ" nhưng lại rất được ưa chuộng vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm. Với kích thước không quá to nhưng bù lại phần thịt cua đậm vị, mềm ngậy, đặc biệt có nhiều gạch cua nên vô cùng giàu dinh dưỡng.
Dù biết cua lông có nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên đây cũng là loại thực phẩm dễ ẩn chứa những nguy cơ trong quá trình chế biến hoặc lựa chọn thực phẩm. Vì vậy, trước khi mua cua lông về nhà ăn trong thời điểm này, bạn nên nắm rõ một vài điều lưu ý sau đây đã nhé!
*Những điều cần chú ý khi ăn cua lông:
1. Không phải phần cua nào cũng ăn được
Thịt cua lông khá ngọt với hàm lượng đạm cùng axit béo cao nên bạn có thể ăn thoải mái. Thế nhưng, phần ruột cua, bao tử cua, mang cua hay tim cua thì nhất quyết không được ăn. Bởi ruột và dạ dày cua thuộc bộ máy tiêu hóa, mang cua là cơ quan hô hấp. Đây đều là những bộ phận dễ tích tụ chất bẩn, ăn vào có thể gây dị ứng, tiêu chảy.
2. Không ăn cua đã chết
Bạn có biết rằng, sau khi cua chết thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và ăn mòn các axit amin có trong thịt cua. Đồng thời, lượng histamine sinh ra trong quá trình phân hủy protein còn có thể gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, kèm theo các triệu chứng khác. Vậy nên, khi lựa chọn cua lông, bạn cần kiểm tra kỹ xem cua còn sống hay không.
Bạn có thể thử cho cua vào một chậu nước để phán đoán xem nếu cua còn sống thì sẽ thấy nước trong chậu sủi bọt. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách bóp vào lưng và lắc nhẹ để xem chuyển động. Hãy nhớ rằng, nếu cua đã chết thì tuyệt đối không được ăn. Còn nếu đã lỡ ăn rồi mà gặp phải các triệu chứng lạ thì cần tới bệnh viện kiểm tra ngay.
3. Mang găng tay khi tiếp xúc với cua
Vi khuẩn ăn thịt là loại vi khuẩn thường bám trong vây cá, tôm hùm hoặc càng cua, nếu dính vào tay bạn có thể gây viêm cân mạc hoại tử. Trong quá trình xử lý cua sống, càng cua có thể làm bạn bị thương, từ đó sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn ăn thịt xâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết thương nhỏ. Do đó, hãy thận trọng khi sơ chế cua và nhớ đeo găng tay lúc cầm nắm cua để tránh bị thương.
*Ai không thích hợp ăn cua lông?
Cua lông tuy ngon và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng 5 đối tượng dưới đây tốt nhất không nên ăn:
1. Người có cơ địa dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng với hải sản thì không nên ăn cua. Bởi ăn cua dễ gây ra các phản ứng dị ứng như phát ban da và hen suyễn.
2. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Cua là loại thực phẩm giàu đạm, dễ làm tăng gánh nặng chuyển hóa của gan và thận. Trong khi đó, chức năng gan của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn chưa mạnh, không thích hợp để tiêu thụ.
3. Người có dạ dày kém
Những người khó tiêu đạm hàng ngày, thiếu axit dịch vị, tiêu chảy, đầy hơi, người có cơ địa dị ứng nên cẩn thận khi ăn cua để tránh các triệu chứng khó chịu. Những người bị viêm dạ dày, viêm ruột, loét tiêu hóa, các bệnh về gan, túi mật và các vấn đề khác cần cẩn thận, không nên tham mà ăn nhiều.
4. Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính
Cua lông thường chứa nhiều chất béo và cholesterol, đặc biệt là càng cua vàng, ăn quá nhiều dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm túi mật, viêm tụy… Vì vậy, người bị cao huyết áp, tim mạch vành, túi mật nên tránh ăn cua. Những người bị viêm và các bệnh khác ăn càng ít hoặc không ăn càng tốt.
5. Người bị bệnh gút không được ăn cua
Đối với những người mắc bệnh gút và thích ăn cua, nếu thực sự thèm thì có thể ăn một chút chứ không nên tham lam.
Nguồn: Sohu, Healthline, Thehealthsite