Gia tăng bệnh nhân cúm nhập viện
Hiện nay, miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, lúc lạnh, lúc nóng đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm. Theo các chuyên gia y tế, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Thực tế, ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tình trạng người dân đi khám và phải nhập viện điều trị vì mắc cúm mùa đang có xu hướng gia tăng.
ThS.BSNT Nguyễn Trọng Hưng, Phó Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, với thời tiết nóng lạnh thay đổi thất thường, số lượng bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị tại Bệnh viện tăng lên. Đặc biệt trong 2 tuần trở lại đây, với thời tiết nồm ẩm, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận khoảng 5-10 bệnh nhân đến khám với triệu chứng cúm mùa.
Trong đó, nhiều bệnh nhân xét nghiệm dương tính với cúm A và cúm B, chủ yếu gặp ở nhóm người có bệnh lý nền như người cao tuổi hoặc các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, người đang dùng thuốc điều trị kéo dài…
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, phần lớn bệnh nhân mắc cúm đều có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng, chảy nước mũi, trong đó, sốt và chảy nước mũi là 2 triệu chứng chính.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng đang khám cho bệnh nhân mắc cúm điều trị nội trú tại Bệnh viện. Ảnh: N.Mai
"Khi có xét nghiệm dương tính với cúm, nếu thuộc nhóm đối tượng có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao hoặc các bệnh nhân đang điều trị thuốc corticoid kéo dài… các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân nhập viện để theo dõi, điều trị.
Còn với các đối tượng người trẻ, người không có bệnh nền hoặc các xét nghiệm không có tổn thương phổi hay các cơ quan khác sẽ được hướng dẫn về nhà chăm sóc, theo dõi và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ", BS Hưng thông tin.
Thận trọng với những người có nguy cơ cao
Theo các bác sĩ, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, khi mắc cúm, nhiều người trong đó có cả các bệnh nhân có bệnh lý nền thường coi cúm là các triệu chứng đơn giản, hoặc theo quan niệm dân gian "cúm mùa dễ khỏi" nên không vào viện, ở nhà tự điều trị. Đến khi nhập viện đã có tổn thương phổi nặng khiến cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo gặp nhiều khó khăn. Một số bệnh nhân khác học theo các mẹo dân gian không có cơ sở khoa học trong việc điều trị cúm dẫn đến điều trị không đúng cách, khiến tình trạng bệnh nặng lên.
Vì vậy, BS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, khi mắc cúm mùa, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là những người có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ em…Bởi nếu không xử lý kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ dễ tiến triển nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do cúm, viêm cơ tim do cúm.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ, ngay trong tuần vừa rồi, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho 3 thai phụ mắc cúm, trong đó có một trường hợp có bệnh lý nền. Cụ thể, bệnh nhân nữ, P.T.L (28 tuổi, ở Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiền sử hẹp van động mạch chủ bẩm sinh, không có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân mang thai tuần thứ 9, bị sốt và mệt nhiều trong 2 ngày nên được người nhà đưa đi khám. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao gần 40 độ C, cảm giác tức nặng ngực, xét nghiệm dương tính với cúm A.
Nhận thấy là đối tượng nguy cơ cao, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân nhập viện để theo dõi. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân cắt sốt hoàn toàn. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân cơ bản ổn định, còn đau rát họng. Khám thai không có bất thường nên được cho ra viện.
"Đối với phụ nữ mang thai mắc cúm, nguy cơ dị tật thai nhi thấp nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề tim thai khi người mẹ sốt cao. Đặc biệt khi sốt cao hơn 39 độ C, có thể khiến nhịp tim em bé trong bụng lên cao, đôi khi gây ra tình trạng suy thai. Vì vậy, với những bà bầu mắc cúm, các bác sĩ đều khuyến cáo cần theo dõi nhiệt độ và phải đi khám thai định kỳ để đánh giá tình trạng suy thai", ThS.BS Nguyễn Trọng Hưng nói.
Một trường hợp khác mắc cúm A cũng được theo dõi đặc biệt tại Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn là ông T.K.T (nam, 78 tuổi) có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh nhân vào viện vào ngày thứ 2 của bệnh với các triệu chứng sốt kèm theo ho, khó thở. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, tăng huyết áp, được test cúm A, kết quả dương tính.
Được các bác sĩ điều trị tích cực, bệnh nhân cắt sốt, tình trạng ho, khạc đờm giảm đi nhiều. Bệnh nhân được ra viện về nhà theo dõi, tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế cho biết, các triệu chứng của cúm mùa rất giống với các bệnh lý đường hô hấp khác như covid. Vì vậy, tất cả các bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, viêm đường hô hấp nên đến khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Bởi với mỗi bệnh khác nhau, tiên lượng khác nhau, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc cúm trong thời điểm các virus đường hô hấp đang lưu hành khá phổ biến như hiện nay, bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân khi đi ra đường, đặc biệt là nơi đông người nên đeo khẩu trang, nhất là khi tiếp xúc với những người đang có triệu chứng ho, sốt.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.