Mới đây khi thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID -19 có thể gây cục máu đông trên mạng xã hội có quảng cáo đi xét nghiệm máu D-dimer để phát hiện xem có bị hình thành cục máu đông không. Nếu có thì uống thuốc tan cục máu đông đó. Thông tin này đã nhận được hàng nghìn lượt quan tâm và bình luận. Vậy việc xét nghiệm D-Dimer có tác dụng gì có cần thiết với những người đã tiêm vaccine covid của AstraZeneca không?
Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để xác định yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Nói cách khác, kết quả này chỉ nói lên bạn có nguy cơ cao có cục máu đông chứ không có ý nghĩa chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D-dimer cũng không có khả năng chỉ ra vị trí của cục máu đông. Một số trường hợp có yếu tố nhiễm trùng, các bệnh về gan, ung thư... có thể là nguyên nhân dẫn đến nồng độ D-dimer trong máu tăng cao.
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm D-dimer cùng các xét nghiệm cận lâm sàng khác khi bệnh nhân có các triệu chứng như: Sưng phù nề chân, chân bị đổi màu, đau yếu một chân.
Ngoài ra, khi bệnh nhân có các các triệu chứng như thuyên tắc phổi, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, ho ra máu,.. cũng sẽ được chỉ định xét nghiệm D-dimer.
Bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 cũng có thể có nồng độ D-dimer trong máu cao, tuy nhiên việc thực hiện xét nghiệm cần dựa trên chỉ định của bác sĩ nếu có các yếu tố nguy cơ khác (như có tiền sử rối loạn đông máu...), các đối tượng khác không cần thiết làm xét nghiệm D-dimer khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Liên quan đến vấn đề này PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho hay người dân cần hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.
Trên thực tế, trong thời gian đầu loại vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện cục máu đông. Do đó, Ủy ban Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra nhận thấy tỷ lệ này rất thấp và gần như không có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so với tỉ lệ mắc TTS trước khi tiêm vaccine COVID-19 (số liệu 2019 trở về trước).
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Thái, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên. Đến nay, hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca COVID-19 cách đây 2-3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn thoả. Do đó, cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông. Chính bởi vậy, việc tự ý làm các xét nghiệm đông máu là không cần thiết.
Vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm.
Cũng về vấn đề này, TS.Phạm Đức Hùng hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Hoa Kỳ chia sẻ, năm 2021, có gần 25 trên tổng số gần 25 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca bị đông máu, tức là tỉ lệ 1 phần triệu. Tỉ lệ này còn thấp hơn tỉ lệ sốc phản vệ do đậu phộng (1.8 ca trên 1 triệu người trong 1 năm).
Triệu chứng đông máu thường xuất hiện 5 - 24 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, đa số người dân tiêm từ năm 2021 bây giờ đi xét nghiệm không còn ý nghĩa.
Bản thân bệnh Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ đông máu, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Sau khi xem xét rất nhiều yếu tố, các cơ quan như Hội Y học châu Âu vẫn khuyến cáo tiêm vaccine AstraZeneca dựa trên lợi ích hơn là bất lợi/tác dụng phụ.
Nguy cơ đông máu, đột quỵ của chúng ta cao nhất là do ăn uống không điều độ, béo phì, tiểu đường, và không luyện tập thể dục thể thao.
Trước đó, sáng 3/5 thông tin với báo chí PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã được cảnh báo về tác dụng phụ gây đông máu này. Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.