Ngoài vaccine COVID-19, các loại vaccine khác có gây cục máu đông không?

Mới đây, thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID -19 có thể gây cục máu đông khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng và đặt câu hỏi liệu rằng các loại vaccine khác có gây tác dụng phụ này không?

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Nguyên nhân gây cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca

Phóng viên: Thưa PGS. TS. Phạm Quang Thái, đâu là nguyên nhân gây cục máu đông sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca?

PGS. TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

PGS. TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

PGS. TS. Phạm Quang Thái: Cục máu đông thường xảy ra ở những người có tình trạng huyết khối, có vấn đề xảy ra ở phản ứng miễn dịch, cơ thể tạo ra kháng thể có thể kết dính vào một trong những protein tự nhiên của cơ thể. Protein này được gọi là yếu tố tiểu cầu 4 (PF4). Trên thực tế, khi bị nhiễm trùng, nhiều người tạo ra kháng thể có thể dính vào PF4 như một phần của phản ứng miễn dịch, nhưng những kháng thể này thường có độ dính yếu.

Với những người bị đông máu khi tiêm vaccine, kháng thể hình thành có thể dính rất chặt vào PF4, tạo thành cấu trúc lớn hơn gọi là "phức hợp miễn dịch". Những phức hợp này kết dính với nhau và kích hoạt tiểu cầu. Thông thường, tiểu cầu trôi nổi trong máu ở trạng thái không hoạt động, nhưng một khi kích hoạt, chúng sẽ tạo nên một "tấm lưới" hình thành các cục máu đông.

Cục máu đông có xảy ra khi tiêm các vaccine khác không?

Phóng viên: Vậy tác dụng phụ này có xảy ra đối với các vaccine thông thường khác hay không, thưa PGS.TS?

PGS. TS. Phạm Quang Thái: Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi có phản ứng kháng nguyên kháng thể. Như vậy, không chỉ vaccine COVID-19, tác dụng phụ gây huyết khối có thể xảy ra đối với các vaccine khác hoặc với trường hợp bị nhiễm trùng.

Trên thực tế, đã từng ghi nhận một trường hợp đứa trẻ sinh ra với rất nhiều cục máu đông trong phổi do bà mẹ mắc thủy đậu trong quá trình mang thai. Đứa trẻ đó đã tử vong sau khi sinh khoảng 30 phút.

Tuy nhiên, tỉ lệ này rất thấp, ngay ở cộng đồng các nước châu Âu cũng rất hiếm gặp (cộng đồng châu Âu có tỷ lệ huyết khối tự nhiên cao (tới 10/triệu/21 ngày) nếu so với các cộng đồng khác, đặc biệt khi so với châu Á nơi tỉ lệ này vô cùng thấp (dưới 1/triệu/21 ngày).

Vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine.

Vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine.

Đối tượng nào dể hình thành huyết khối sau tiêm vaccine

Phóng viên: Đối tượng nào có nguy cơ hình thành huyết khối cao sau khi tiêm vaccine, thưa chuyên gia:

PGS. TS. Phạm Quang Thái: Ở những người khỏe mạnh, tỉ lệ bị đông máu sau khi tiêm vaccine rất thấp. Nguy cơ này có thể cao hơn ở những người có tiền sử về rối loạn đông máu. Những trường hợp này đều được các bác sĩ khám và theo dõi thận trọng trước, trong và sau quá trình tiêm để đảm bảo an toàn.

Có cần lo ngại về cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 Astrazeneca cách đây 2-3 năm?

Phóng viên: Thưa chuyên gia, cho đến thời điểm hiện tại, sau khi đa số người dân đã tiêm vaccine COVID-19 Astrazeneca cách đây 2-3 năm, tác dụng phụ này có thể xảy ra nữa hay không?

PGS. TS. Phạm Quang Thái: Vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên. Do đó, cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông. Hiện nay, có nhiều người tự đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm đông máu một cách không cần thiết, nếu chỉ do lo lắng về tác dụng phụ của vaccine COVID-19.

Người dân cần tìm hiểu các thông tin chính thống, tránh lo lắng, hoang mang... Thông tin vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông không phải vấn đề mới, lạ. Tuy nhiên, lợi dụng cơ hội này, nhiều hội nhóm "anti-vaccine" đã đưa những thông tin sai lệch trên nhiều kênh mạng xã hội, nên người dân cần tỉnh táo, tránh những hiểu nhầm không đáng có.

PV: Xin cảm ơn PGS. TS!