Bà Hoa năm nay hơn 60 tuổi, sống ở Hạ Môn, Phúc Kiến (Trung Quốc). Bà vốn chơi cờ rất giỏi, nhưng bỗng một ngày bà chơi thua liên tục và dần không chơi được nữa. Người nhà lo lắng bà có thể bị sa sút trí tuệ nên vội vàng đưa bà đi khám.
Kết quả kiểm tra cho thấy bà Hoa đã bị đột quỵ không triệu chứng ở thùy não phải, ảnh hưởng đến thị lực mắt trái và mất khả năng nhìn những đồ vật ở bên trái. Nhưng bà không hề nhận ra sự bất thường này.
Ảnh minh họa
Trường hợp của bà Hoa là một ví dụ cho "đột quỵ không triệu chứng". Bác sĩ Lâm - Trưởng khoa Thần kinh của bệnh viện Lâm Tân cho biết, người bị đột quỵ sẽ không nhận thấy gì hoặc các biểu hiện sẽ rất nhẹ, không rõ ràng, bởi vậy chúng thường bị bỏ qua.
"Đột quỵ không triệu chứng" hầu hết do sự tắc nghẽn của các mạch máu nhỏ hoặc mao mạch dưới vỏ não. Khi bị đột quỵ sẽ thường có một số biểu hiện sau:
1. Dáng đi bỗng nhiên không bình thường
Đi lại có chút bất ổn, chậm chạp, khi đi cảm giác chân không có lực... Khi gặp các triệu chứng này, mọi người sẽ nghĩ mình bị ốm thông thường hoặc mệt mỏi do làm việc quá sức. Đặc biệt là người cao tuổi, họ sẽ dễ dàng cho rằng đây là do đau khớp, đau lưng hoặc các vấn đề khác.
Triệu chứng đột quỵ dễ bị lầm tưởng với đau khớp, đau lưng...
2. Đột nhiên suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức
Suy giảm trí nhớ là hiện tượng não bộ suy giảm chức năng hoặc quá trình vận chuyển những thông tin và trí nhớ về vỏ não bị ngưng trệ. Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như suy giảm nhận thức, chứng suy giảm trí nhớ, suy giảm chức năng nhận thức...
Người bệnh sẽ khó để biểu đạt được các từ ngữ thông dụng
Khi bị suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức, người bệnh sẽ khó để biểu đạt được các từ ngữ thông dụng. Bên cạnh đó, nội dung các bài báo, tạp chí hay các thông tin trên truyền hình cũng trở nên khó hiểu.
3. Giảm thị lực
Đột quỵ có thể dẫn đến 1 bên mắt không nhìn thấy gì, nhưng đại não sẽ bỏ qua điều này, khiến bệnh nhân không để ý và cũng không phát hiện ra tầm nhìn đang có vấn đề. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến an toàn trong sinh hoạt hàng ngày.
Ví dụ như mắt trái không nhìn được, khi đi lại vô tình va vào đồ vật bên trái, người bệnh sẽ cho là do mình bất cẩn.
Đột quỵ có thể dẫn đến 1 bên mắt không nhìn thấy gì
Bác sĩ Lâm kể rằng, từng có bệnh nhân vì bỗng nhiên va chạm xe cộ liên tục trong vòng 1-2 tháng nên đã đến bệnh viện khám. Các tai nạn chủ yếu xảy ra khi chuyển làn. Người bệnh cứ liên tục kêu ca, rõ ràng anh ấy đã chú ý gương chiếu hậu, tại sao lại cứ có xe ở đâu bất thình lình lao ra đâm vào anh ta.
Kết quả kiểm tra phát hiện, đột quỵ ở thùy chẩm não phải đã khiến anh không nhìn được xe cộ đang tiến đến ở làn bên trái.
4. Tâm trạng thay đổi đột ngột
Người cao tuổi bỗng trở nên lãnh đạm, tâm trạng đi xuống, buồn rầu, không quan tâm đến mọi người, không hứng thú với các chuyện xung quanh... Đây đều là những bệnh trạng thường thấy ở các phòng khám.
Đột quỵ thùy trán tuy có thể không ảnh hưởng đến các vận động và sinh hoạt thường ngày nhưng sẽ làm thay đổi tính cách của người bệnh. Biểu hiện này rất dễ bị bỏ qua, người nhà sẽ chỉ nghĩ tâm trạng của bệnh nhân đang không tốt.
Đột quỵ thùy trán có thể làm thay đổi tính cách của người bệnh
Đột quỵ thường sẽ tái phát, lần sau sẽ chuyển biến xấu hơn lần trước. Bệnh nhân bị đột quỵ không triệu chứng lần đầu tiên thường sẽ không để ý tới bệnh. Các cơn đột quỵ sau đó có thể ngày càng nghiêm trọng hơn và trực tiếp khiến người bệnh gục ngã.
Bác sĩ Lâm chỉ ra: "Điều tồi tệ nhất với người bị đột quỵ không triệu chứng là họ không biết mình bị đột quỵ, bởi vậy họ ít có cơ hội điều trị và ngăn ngừa tái phát, dẫn đến bị đột quỵ nhiều lần và cuối cùng là sa sút trí tuệ".
Có trường hợp, hình ảnh cắt lớp của một bệnh nhân sa sút trí tuệ do mạch máu phát hiện đã có hơn 10 ca đột quỵ trên một phạm vi rất nhỏ, nhưng bệnh nhân không biết và đã bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Các yếu tố là nguy cơ cao gây nên đột quỵ không triệu chứng bao gồm: tiểu đường, 3 cao (cao huyết áp, lượng đường, lượng mỡ trong máu cao), bệnh tim (các vấn đề về van tim, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ...), hút nhiều thuốc và tuổi cao. Người càng lớn tuổi, nguy cơ đột quỵ càng cao. Những người bị đột quỵ không triệu chứng ở độ tuổi trên 60 chiếm 10%, trên 85 tuổi chiếm 25%.
Bất luận là loại đột quỵ nào thì quan trọng nhất vẫn là phải ngăn ngừa nó phát sinh. Những người mắc các bệnh trên đều cần điều trị tích cực, điều chỉnh lối sống, bỏ thuốc lá. Nếu trong gia đình từng có người đột quỵ, kiểm soát 3 cao kém, béo phì, xơ cứng động mạch thì trong quá trình kiểm tra sức khỏe có thể siêu âm theo dõi động mạch cảnh.
Theo Aboluowang