Trưởng Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E
Các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong một tuần sau khi trời rét, khoa tiếp nhận 3 bệnh nhân trẻ (13-18 tuổi) đến khám vì bị đau tinh hoàn. Các bệnh nhân được xác định bị xoắn tinh hoàn nhưng do đến quá muộn nên tinh hoàn đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.
Các bác sĩ cho biết, theo nghiên cứu, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý do là, thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu, dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục. Trường hợp chủ quan không đi khám sớm như 3 thanh thiếu niên trên sẽ dẫn đến hậu quả phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản và tình dục sau này.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, bệnh lý xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật sớm - ngay trong một vài giờ sau triệu chứng đau tức đầu tiên - giúp giữ lại tinh hoàn. Trường hợp muộn hơn có thể ảnh hưởng khả năng sinh con vì khi tinh hoàn hư hỏng buộc phải cắt bỏ. Tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn ở người bệnh bị xoắn tinh hoàn dưới 6 giờ khoảng 90-100%; từ 12-24 giờ khoảng 20-50% và 0-10% trong khoảng trên 24 giờ. Độ tuổi hay gặp xoắn tinh hoàn nhất là 13-21 tuổi.
Thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ gây xoắn tinh hoàn nhưng nhiều người chủ quan. (Ảnh minh họa)
Điều bác sĩ cảnh báo là rất nhiều người đang chủ quan hoặc không có hiểu biết về căn bệnh này, vì thế khi bị xoắn tinh hoàn thường nhầm lẫn sang bệnh lý khác, nhất là với viêm tinh hoàn, từ đó có thể dẫn tới việc điều trị sai hướng, bỏ lỡ "thời gian vàng". Bệnh viêm tinh hoàn thường chỉ cần điều trị kháng sinh còn bệnh nhân xoắn tinh hoàn buộc phải phẫu thuật để gỡ xoắn.
Bác sĩ Liên cũng cho rằng, đa số trường hợp bị xoắn tinh hoàn thường là do đặc điểm di truyền làm cho tinh hoàn xoay dễ dàng bên trong cả hai bìu. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau một hoạt động mạnh, một chấn thương nhẹ của tinh hoàn hoặc khi đang ngủ. Thời tiết lạnh, rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể gây nguy cơ xoắn tinh hoàn.
Bác sĩ Liên cảnh báo, dấu hiệu dễ phân biệt nhất của xoắn tinh hoàn là đau đột ngột vùng bìu, kèm theo đó là hiện tượng sưng. Bệnh nhân cũng có thể nôn, ói mửa, đôi khi đau bụng dữ dội… Khi dùng tay sờ vào bìu sẽ thấy bên sưng và lên cao hơn bình thường.
Xoắn tinh hoàn thường có 2 loại:
- Xoắn ngoài tinh mạc: Loại này thường chỉ gặp ở trẻ nhỏ. Cơ chế do dây chằng bìu tinh hoàn chưa được cố định hoàn toàn, tinh hoàn di chuyển và tự xoay quanh trục tự do trong bìu dẫn tới xoắn.
- Xoắn trong tinh mạc: Loại này thì gặp ở nam giới và thanh niên trưởng thành. Do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao làm cho tinh hoàn di động như quả lắc chuông, gây nên nguy cơ xoắn tinh hoàn cao. Ngoài ra theo cơ chế cơ nâng bìu nên đa phần tinh hoàn bên trái sẽ xoắn ngược chiều kim đồng hồ còn tinh hoàn bên phải thì xoắn cùng chiều kim đồng hồ.
Để phòng xoắn tinh hoàn, các chuyên gia cho rằng nam giới không nên tập thể dục quá mạnh, đặc biệt tránh tác động vào vùng kín. Cần có thời gian vận động hợp lý, không ngồi một chỗ quá lâu…Không mặc đồ lót quá chật, và với điều kiện thời tiết lạnh thì cần tránh bị lạnh đột ngột. Ngoài ra, nên quan hệ tình dục an toàn, tránh các tư thế mạnh.