Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội cho biết, trong các trường hợp đến làm xét nghiệm ADN xác định quan hệ huyết thống, có một trường hợp khiến bà vừa buồn, nhưng lại vừa thương. Đó là trường hợp anh M.T (40 tuổi, ở Hà Nội), đang làm cho một cơ quan nhà nước, còn vợ làm bác sĩ.
Hai vợ chồng anh T lấy nhau được hơn 10 năm, cả hai dù rất muốn nhưng đợi mãi không có tin vui. Sau nhiều năm chờ đợi, gia đình liên tục giục hai vợ chồng đi khám, nhưng người vợ nhiều lần từ chối hoặc trì hoãn. Cuối cùng dưới sức ép từ gia đình, hai vợ chồng đã cùng nhau đi khám ở một số bệnh viện.
Kết quả thăm khám đều cho thấy, anh T không thể sinh con. Kết quả này khiến gia đình bất ngờ, bản thân anh T cũng rất buồn lòng vì bản thân anh rất khỏe mạnh, kể cả trong “chuyện ấy”, vậy mà kết luận lại vô sinh. Thế nhưng, có vợ làm bác sĩ và anh tin vào khoa học nên đành chấp nhận sự thật.
Suốt những năm tháng sau đó, anh T luôn sống trong sự tự ti, mặc cảm vì thấy mình không làm tròn trách nhiễm với gia đình, có lỗi với vợ. Biết tình trạng đó, vợ hay người thân cũng không nhắc gì đến chuyện sinh con, nhưng anh T vẫn cảm thấy xấu hổ.
Người vợ vô sinh nhưng sợ mất chồng nên đã thay đổi kết quả. Ảnh minh họa.
“Đã nhiều lần tôi khuyên vợ hãy đi bước nữa để tìm hạnh phúc mới trọn vẹn hơn, nhưng vợ từ chối và động viên tôi. Điều này càng khiến tôi cảm động và thương vợ nhiều hơn”, anh T chia sẻ.
Cách đây vài năm, trong một lần mẹ anh ốm nặng, anh vào viện và mẹ thì thầm vào tai anh rằng, mẹ anh không tin anh bị vô sinh vì từ nhỏ đến giờ anh rất khỏe mạnh, không mắc bệnh gì. Các anh chị em trong nhà cũng vậy, ai cũng khỏe mạnh, con cái nếp tẻ đủ cả.
Anh biết rằng, lời mẹ dặn lúc sắp ra đi chỉ là động viên, mong có được cháu đích tôn nối dõi sau này. Vì thế anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Những ngày sau đó, anh suy nghĩ về những lời mẹ nói và thử ra ngoài tìm con. “Tôi biết điều này là có lỗi với vợ, nhưng…”, anh T nghẹn lại chẳng nói lên lời.
Quả thực đúng như lời mẹ anh trăng trối. Sau khi gần gũi với cô gái có tình cảm với mình, người ấy đã sinh cho anh 2 người con. Dù bán tín, bán nghi nhưng do có quan hệ ngoài luồng nên anh không dám làm lớn chuyện, nhưng vẫn chu cấp và thường xuyên đến với 2 đứa trẻ vì bề ngoài chúng khá giống anh.
Một lần ông T ốm nặng phải nhập viện, do không thấy bố sang thăm như mọi khi nên hai đứa trẻ đã chủ động đến tìm bố. Khi đó, vợ ông T đã biết chuyện, quyết đuổi 2 đứa trẻ về, cấm không cho gặp bố. Không chỉ vậy, người phụ nữ này còn chửi rủa, xúc phạm 3 mẹ con, cho rằng họ lừa đảo để ông T phải “đổ vỏ”.
Bà Nga cho biết, với trường hợp này nhiều người vừa giận, nhưng cũng vừa thương người vợ.
Sau sự việc đó, ông T khi khỏi bệnh đã âm thầm đi làm xét nghiệm ADN huyết thống cha-con với 2 đứa trẻ. Sau khi tìm hiểu, ông đã xét nghiệm một vài nơi và cuối cùng ông đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội để xét nghiệm khẳng định lại lần cuối. Tất cả các kết quả xét nghiệm đều khẳng định 2 đứa trẻ là con ruột của ông T.
“Vì việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nên tôi phải tự tay lấy mẫu. Khi đến phòng xét nghiệm tôi trực chờ ngoài cửa phòng đến khi có kết quả cầm trên tay. Do vậy, không có ai can thiệp hay nhẫm lần được”, ông nói.
Cầm tờ kết quả xét nghiệm ADN trên tay ông bật khóc và thốt lên với nhân viên trung tâm xét nghiệm rằng: “Cả đời tôi bị bà ấy lừa. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh mà mang tiếng là vô sinh, mang mặc cảm với cha mẹ, tổ tiên”.
Khi có kết quả, vợ ông T khi đó cũng thừa nhận, bản thân mình mới là người bị vô sinh, nhưng bà đã giấu chồng. Khi đi khám, nhờ quan hệ của mình để rồi thông báo cho ông T về việc không có khả năng sinh sản. Bà giải thích rằng, do quá yêu ông, không muốn mất chồng nên mới làm như vậy. Thế nhưng, vì sự lừa dối kéo dài suốt hàng chục năm đó nên ông T không thể tiếp tục chung sống với vợ.