Đây là những cách làm mát cơ thể ai cũng làm được mà hay bỏ qua khi học tập, làm việc dưới cái nắng tới 40 độ C

Học tập và làm việc trong thời tiết đang nắng tới 40 độ C hiện nay rất dễ dẫn tới sốc nhiệt, say nắng. Để chống nóng hiệu quả khi học tập, làm việc mọi người hãy lưu ý một số cách làm mát cơ thể dưới đây.

  

BS Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho rằng, với nền nhiệt nắng nóng gay gắt như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển như vi khuẩn, siêu vi... Không chỉ vậy, việc học tập, làm việc trong thời tiết nắng nóng không cẩn trọng có thể dẫn tới hiện tượng sốc nhiệt, say nắng.

Để chống nóng hiệu quả, bảo vệ sức khỏe tốt nhất vẫn là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đây là "vũ khí" giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh. Một khi sức đề kháng yếu, cơ thể mệt mỏi, rệu rã càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID -19 vẫn còn đang có những diễn biến mới hiện nay.

Theo đó, chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe trong việc học tập, làm việc dưới điều kiện nắng tới 40 độ C hiện nay, mọi người cần chú ý làm mát cơ thể bằng cách:

+ Tránh để cơ thể mất nước

Vào ngày nắng nóng, mọi người dễ cảm nhận được tình trạng tăng khát, cơ thể suy nhược… Đây là biểu hiện của việc mất nước. Cảm nhiệt thường xảy ra khi cơ thể mất khả năng tự làm mát và với trường hợp này người bệnh cần phải cấp cứu ngay.

Làm việc hay trẻ đi học hiện nay, ở trên lớp cũng cần mang theo một chai nước để bổ sung kịp thời vừa tránh dùng chung đồ. Bình thường lượng nước được đưa vào cơ thể khoảng 2,5 lít nước/ngày, trong đó nước uống khoảng 1 - 1,5 lít. Tùy theo tính chất công việc, học tập, bệnh tật mà lượng nước đưa vào sẽ có sự thay đổi khác nhau nhưng cần lưu ý chung là nên uống nước liên tục, tránh để khát mới uống.

Mọi người có thể bù nước cho cơ thể ngoài nước lọc cho thêm chút muối hoặc nước khoáng, pha oresol với nước sôi để nguội theo đúng tỉ lệ để uống hoặc uống nước chanh tươi với một nhúm muối sẽ thấy lấy lại sức nhanh hơn.

Nhiều người quan niệm trẻ em đã uống nhiều sữa, ăn cháo, nước hoa quả nên không cần phải uống nhiều nước. Điều này là không đúng vì nhu cầu nước ở trẻ rất cao. Với trẻ nhỏ từ 3 tuổi tối thiểu trẻ cũng cần uống 1 lít nước và 0,5 lít sữa/ngày; lứa tuổi tiểu học là 1,5 lít nước/ngày. Trẻ nên uống sữa, nước lọc, nước hoa quả tươi, nước rau… thay vì uống nước có ga, tránh biếng ăn.

Đây là những cách làm mát cơ thể ai cũng làm được mà hay bỏ qua khi học tập, làm việc dưới cái nắng tới 40 độ C - 1

Ảnh minh họa

+ Làm mát bằng trang phục

Ngày hè nắng nóng nên mặc đồ rộng, nhẹ với chất liệu vải lanh, lụa, đặc biệt là chất liệu cotton để dễ toát mồ hôi. Mọi người tránh mặc đồ màu tối, dày vì chất liệu dạng này có thể hấp thụ nhiệt.

+ Làm mát cơ thể khi ra ngoài

Nếu buộc phải đi ra ngoài, mọi người cần làm mát cơ thể bằng cách che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Mọi người có thể dùng một chiếc khăn xô của trẻ nhỏ làm ẩm rồi cho vào chiếc khẩu trang.

Nếu làm việc ngoài trời, lưu ý không làm việc từ 11h trưa đến 14h chiều. Nghỉ ngơi trong bóng mát thời điểm này sẽ giúp cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ để thích ứng. Khi bắt đầu công việc chú ý với cường độ chậm rồi tăng dần. Nếu khi làm có cảm giác thở hổn hển phải ngừng hoạt động nay, nghỉ ngơi ở chỗ râm mát tránh sốc nhiệt.

Với trẻ nhỏ học tập cần hạn chế các hoạt động ngoài trời đồng thời đảm bảo trẻ luôn được bù nước kịp thời. Khi trẻ ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước, chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng.

Tránh thói quen sai lầm khi vừa đi nắng về

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), những thói quen khi đi nắng về cần tránh:

+ Thay đổi nhiệt độ đột ngột

Trong cái nắng tới 40 độ C này, hẳn ai cũng có xu hướng dùng điều hòa, quạt… khi vừa ở ngoài nắng về mong cơ thể bớt nóng thật nhanh. Thế nhưng, việc không chú ý đến thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể đã dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Khi ở môi trường nhiệt độ cao, cơ thể đang đổ mồ hôi, lỗ chân lông mở ra việc tiếp xúc ngay nhiệt độ thấp dễ làm sốc nhiệt. Nếu ở ngoài trời nắng nóng vào phòng cần để máy điều hòa lạnh từ từ, không giảm ngay nhiệt độ xuống quá thấp, hoặc nên nghỉ ngơi một chút ở chỗ mát rồi hãy vào phòng lạnh.

Hoặc vừa đi ngoài trời nắng tránh ngồi ngay vào quạt để gió quạt thẳng vào người. Có những trường hợp vì nóng lạnh đột ngột mà bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, tử vong.

+ Tắm ngay khi vừa đi nắng về

Bụi bặm cùng nắng nóng khiến nhiều người khó chịu nên muốn vào tắm ngay khi vừa đi nắng về giúp làm mát cơ thể nhưng cũng dễ gây sốc nhiệt. Mọi người nên nghỉ ngơi để khô mồ hôi khoảng 30 phút, bù nước đầy đủ, khi thân nhiệt trở lại bình thường mới nên đi tắm. Ngày hè cũng không nên ngâm mình trong nước quá lâu.

+ Uống nước đá lạnh

Vừa đi nắng về uống ngay một cốc nước lạnh để giải cơn khát nhưng chúng cũng có thể làm giảm thân nhiệt đột ngột và còn dẫn tới tình trạng viêm họng, đau họng… Tốt nhất nên uống nước lọc hay uống oresol để bù lại lượng nước đã mất qua việc thoát mồ hôi.