PGS - Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần (tên thật Trần Huỳnh) là bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu tại Trung Tâm Y Khoa Wynn Medical Center,...
Tôi có 2 con, bé lớn 8 tuổi, bé nhỏ 6 tuổi. Cả 2 con tôi có sức khỏe bình thường, cân nặng và chiều cao đạt chuẩn. Mới đây, tôi nghe nhiều người truyền tai nhau, cho con ăn nước tương (xì dầu) nhiều sẽ dễ gây dậy thì sớm.
Cả 2 con tôi đều thích ăn nước tương. Mỗi bữa ăn của các cháu đều phải có chén nước tương để chấm rau, thịt hay trứng… Dù cả 2 con tôi hiện chưa xuất hiện các dấu hiệu dậy thì sớm, nhưng đọc thông tin trên, tôi cũng lo sợ. Bác sĩ cho tôi hỏi, thông tin trẻ ăn nhiều nước tương gây dậy thì sớm có đúng không? Tôi có phải điều chỉnh lại thói quen ăn của con không?
Đầu tiên, tôi xin khẳng định, ăn nước tương không gây dậy thì sớm cho trẻ. Thông tin bạn đọc được là những lời đồn không có căn cứ và không có bằng chứng khoa học. Trẻ dậy thì sớm chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng cho đến nay, nguyên nhân chính vẫn là vô căn.
Nước tương không phải thủ phạm gây dậy thì sớm cho trẻ. Ảnh minh họa.Yếu tố có thể ảnh hưởng đến dậy thì sớm của trẻ là béo phì. Trẻ bị béo phì là do vấn đề dinh dưỡng, lười vận động hoặc do di truyền. Hiện nay, số lượng thức ăn nhanh, thực phẩm công nghiệp hay chứa chất tăng trưởng quá nhiều. Khi trẻ ăn phải những thứ này, kết hợp với nguyên liệu chế biến có sử dụng các hormone tăng trưởng thì có thể bị béo phì và ảnh hưởng đến vấn đề nội tiết.
Còn nước tương, nguyên liệu chính làm nên nó là đậu nành, lúa mì, muối và chất lên men. Sau khi ủ trong vòng khoảng 8 tháng trở lên cho sản phẩm lên men sẽ thành nước tương. Ngoài ra, người ta cũng có thể sản xuất nước tương theo phương pháp thủy phân axit. Sau đó, sản phẩm sẽ được thanh trùng, đóng chai rồi phân phối ra thị trường.
Nguyên nhân khiến một số người cho rằng nước tương là thủ phạm gây dậy thì sớm cho trẻ vì nguyên liệu chính làm nên nó là đậu nành. Trong đậu nành tự nhiên có chất isoflavone. Đây là một loại estrogen thực vật (phytoestrogen) có cấu trúc tương tự như estrogen nội tiết tố mà buồng trứng tiết ra nhưng hàm lượng rất thấp. Loại nội tiết tố này thuộc thực vật, không mạnh như tiết tố nguồn động vật nên không thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của trẻ.
Dù nước tương không phải là “thủ phạm” gây dậy thì sớm cho trẻ, nhưng bạn nên cho con ăn vừa đủ, không nên quá lạm dụng. Ông bà ta có hay nhắc nhau, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Đối với thực phẩm cũng vậy, chúng ta ăn nhiều quá một thực phẩm đều không tốt cho sức khỏe.
Đối với nước tương, trung bình 15ml (khoảng 1 muỗng canh) sẽ chứa 10 calo, 2g protein, và 920mg natri. Điều này cho thấy, trong nước tương có hàm lượng muối cao, cung cấp 38% lượng tiêu thụ hàng ngày được đề xuất. Đã có nhiều khuyến cáo chỉ ra, trẻ tiêu thụ nhiều muối không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, các quá trình lên men, sản xuất, đóng chai, thanh trùng nước tương nếu không đảm bảo sẽ không tốt cho sức khỏe người dùng. Chưa kể, trên thị trường có nhiều loại nước tương khác nhau, nếu có loại chứa các thành phần dinh dưỡng, phương pháp sản xuất không đảm bảo thì cho trẻ ăn nhiều cũng không có lợi. Do đó, bạn không nên cho con ăn nước tương quá nhiều, mà nên điều chỉnh từ từ cho trẻ.
Theo tôi, đối với trẻ thì nên cho ăn đa dạng các thực phẩm, không quá lạm dụng bất cứ thứ gì. Hiện cân nặng, chiều cao của con bạn đạt chuẩn, các bé cũng không có các dấu hiệu nào của dậy thì sớm thì bạn có thể yên tâm. Tập cho con ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động để rèn luyện sức khỏe cũng là cách giúp trẻ tránh dậy thì sớm.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |