Theo Science Alert, thử nghiệm từ nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Wyoming (Mỹ) có thể mở được cho một loạt ứng dụng y học đột phá, cứu sống nhiều mạng người cũng như giúp chúng ta chạm gần hơn đến giấc mơ "trường sinh bất lão", nhờ một trong các yếu tố giúp tardigrade "bất tử".
Tardigrade "bất tử" trong nước nóng, băng giá, điều kiện khô hạn lẫn môi trường ở các hành tinh khác hoặc không gian giữa các vì sao - Ảnh đồ họa
Tardigrade, tức bọ gấu nước, là một sinh vật hoàn toàn dị biệt.
Nhỏ bé nhưng dường như không có gì phá hủy nổi, một số tardigrade sống được trong nước gần như sôi, trong lòng đất băng lạnh, hồi sinh và tiếp tục sinh sản sau hàng chục năm bị khô cong giữa sa mạc tử thần Atacama của Chile...
Thậm chí người ta hoài nghi nó đã bám theo các tàu vũ trụ và trở thành loài độc chiếm Mặt Trăng ngay lúc này.
Cơ thể tardigrade đầy những thứ giúp nó bất tử. Nhưng nhóm nghiên cứu Mỹ đã tập trung vào một protein đặc biệt gọi là CAHS D, được biết đến với khả năng giúp nó sống sót dù cơ thể bị khô nhiều năm.
Khi đưa protein này vào tế bào người trong phòng thí nghiệm, nó đã giúp các tế bào có khả năng làm chậm các quá trình sinh học, từ đó chống chịu các căng thẳng xảy ra do điều kiện cực đoan và cả quá trình lão hóa tự nhiên.
"Phát hiện của chúng tôi mở ra một con đường để theo đuổi các công nghệ tập trung vào việc tạo ra sự cân bằng sinh học trong tế bào và thậm chí toàn bộ sinh vật để làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường khả năng lưu trữ và tính ổn định" - các tác giả cho biết.
Ngoài ra, nó có thể được ứng dụng vào các phương pháp điều trị trong đó tế bào cần được lưu giữ an toàn, làm chậm quá trình hư hại tự nhiên khi thiếu đi các điều kiện cần thiết để hoạt động bình thường, ví dụ như trong phẫu thuật cấy ghép nội tạng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu xem protein "bất tử" này có thể ổn định các phẩm máu quan trọng được sử dụng để điều trị các bệnh di truyền hay không.
Sẽ cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để biến bước khởi đầu này thành những ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong y học.