Dễ béo phì, tăng mỡ máu, axit uric: Có thể thiếu chất này

Một nghiên cứu mới từ Trung Quốc chỉ ra thêm lý do bất ngờ khiến bạn dễ gặp các vấn đề về chuyển hóa như béo phì, rối loạn mỡ máu...

Nhóm khoa học gia từ Bệnh viện Thẩm Dương và Bệnh viện trực thuộc Số 4 của Đại học Y khoa Trung Quốc ở TP Thẩm Dương đã đánh giá toàn diện mối tương quan giữa i-ốt và sự trao đổi chất, từ đó tác động đến một loạt tình trạng bao gồm rối loạn mỡ máu, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp...

Bổ sung đủ các thực phẩm giàu i-ốt có thể giúp bạn khống chế tình trạng mỡ cơ thể, mỡ máu, axit uric... tốt hơn - Ảnh minh họa từ Internet

Bổ sung đủ các thực phẩm giàu i-ốt có thể giúp bạn khống chế tình trạng mỡ cơ thể, mỡ máu, axit uric... tốt hơn - Ảnh minh họa từ Internet

Người ta thường nhắc đến việc bổ sung i-ốt để ngăn ngừa các bệnh tuyến giáp, bệnh liên quan đến sự phát triển của trẻ nhỏ... Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy vi chất này còn liên quan mật thiết đến quá trình chuyển hóa.

Theo các kết quả công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Nutrition, một thử nghiệm đối chứng với giả dược kéo dài 28 ngày cho thấy việc bổ sung i-ốt thông qua một viên uống rong biển giúp giảm chu vi vòng eo, khối lượng mỡ, mỡ nội tạng, cân nặng và BMI.

Trong khi đó, các thử nghiệm khác chứng minh mối quan hệ nghịch đảo giữa UIC và tình trạng tăng axit uric máu/bệnh gout. I-ốt cũng hỗ trợ tăng cường chuyển hóa mỡ, chống lại tình trạng rỗi loạn mỡ máu.

Nhìn chung, nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng i-ốt đầy đủ tác động rõ ràng nhất đến bệnh béo phì, khả năng chuyển hóa mỡ và chuyển hóa glucose, theo hướng tích cực.

Điều này có nghĩa việc bổ sung đầy đủ vi chất này có khả năng giúp bạn khống chế cân nặng, đẩy lùi tình trạng rối loạn mỡ máu, một số dạng bệnh tim mạch, bệnh gout, tiểu đường type 2...

Lượng i-ốt được khuyến nghị trong chế độ ăn uống là khoảng từ 150-299 µg/ngày.

Theo Healthline, một số thức phẩm giàu i-ốt có thể kể đến là trứng, rong biển, hải sản, gan động vật, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai...), chuối, một số rau màu xanh lá đậm...

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung i-ốt (ví dụ muối i-ốt) nếu như cảm thấy mình ăn thiếu vi chất này.