Đừng đẹp một mình: Những bài thể dục thanh niên có thể tập cùng ông bà bố mẹ, hiệu quả mà không sợ... hết hơi

Tập thể dục cùng các thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông bà bố mẹ, không những có thể rèn luyện sức khỏe mà còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, gắn kết tình cảm.

Ngày nay, với nhịp đập cuộc sống ngày càng dồn dập, áp lực từ gia đình và xã hội đè nặng lên vai của mỗi người, khiến chúng ta có ít thời gian hơn cho gia đình và khoảng cách giữa các thế hệ, khoảng cách với ông bà, bố mẹ cũng vì thế mà càng tăng lên. Ngoài bữa cơm gia đình tụ họp thì hầu như những khoảng thời gian khác, chúng ta đều chỉ "ôm lấy" chiếc điện thoại, "ôm lấy" cuộc sống của riêng mình.

Trong thời gian mà đại dịch Covid-19 diễn ra, "người cách người, nhà cách nhà", điều này lại càng được thể hiện rõ hơn. Dù ở cùng một nhà thấy đấy nhưng chúng ta lại ít khi trò chuyện với ông bà, bố mẹ mình bởi lẽ khoảng cách về thế hệ và cách suy nghĩ cũng tạo nên nhiều khó khăn. Khi việc trò chuyện để gắn kết gia đình trở nên khó khăn thì có lẽ những hoạt động tập thể trong gia đình lại trở thành "sợi dây nối" hoàn hảo để đảm nhiệm sứ mệnh này.

Một trong những hoạt động tập thể trong gia đình mà chúng ta có thể nghĩ ngay đến là tập thể dục cùng ông bà, bố mẹ. Điều này không những giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít mà còn nâng cao sức khỏe cho bản thân chính người trẻ chúng ta và cũng đem tới lợi ích duy trì, bảo vệ sức khỏe của những người lớn tuổi thân yêu trong gia đình mình nữa.

Tuy nhiên, sức khỏe khác, sức già khác, những bài tập nào chúng ta có thể tập cùng ông bà, bố mẹ? Khi tập, cần lưu ý những gì để đảm bảo người lớn tuổi không bị quá sức? Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ Phạm Văn Tú, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

Đừng đẹp một mình: Những bài thể dục thanh niên có thể tập cùng ông bà bố mẹ, hiệu quả mà không sợ... hết hơi - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Văn Tú, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo BS. Tú, vận động tốt cho mọi người, trong đó có cả người cao tuổi. Cụ thể, việc này giúp cải thiện hệ thống tuần hoàn (hạ huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ...); hệ tiêu hóa (làm tăng hoạt động của ruột, tránh táo bón...); hệ cơ xương (tăng mật độ xương, làm cơ dẻo dai, hạn chế nguy cơ ngã...); hệ thần kinh (làm cho giấc ngủ sâu hơn, xả stress) và tăng cường miễn dịch ở người già.

Việc người cao tuổi lựa chọn bài thể dục nào (đi bộ, đạp xe hay leo cầu thang...) hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của từng người. Chẳng hạn, leo cầu thang hoặc đi bộ kéo dài không phù hợp với những bệnh nhân cơ xương khớp như bệnh về khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân cũng như một số bệnh tim mạch gồm suy van tĩnh mạch, phù 2 chân...

Điều này là bởi 2 bài thể dục trên đều làm tổn thương khớp gối do khớp gối, khớp háng là những khớp chịu tải trong cơ thể, việc đi bộ hoặc lên xuống cầu thang khiến trọng lực dồn xuống chân càng lớn, càng làm tổn thương các khớp đó. Vì vậy, những trường hợp người cao tuổi mắc các bệnh nêu trên cần tránh đi lên xuống cầu thang bằng hình thức tập luyện và hạn chế đi bộ.

Đi bộ là một trong những bài thể dục phổ biến nhất với người cao tuổi bởi nó rất thuận tiện, không cần phương tiện. Tuy nhiên, "việc đi bộ đối với người lớn tuổi cũng cần chú ý, tùy thuộc vào từng cá nhân. Theo khuyến cáo của các hội y học có uy tín trên thế giới, người cao tuổi chỉ cần đi bộ 5 ngày trong 1 tuần với 1 ngày trung bình là trên 30 phút là đã có thể giúp người cao tuổi nhận được toàn bộ lợi ích sức khỏe như đã nêu ở trên rồi".

Do đó, BS. Tú nhấn mạnh điều quan trọng là người cao tuổi cần "nghe ngóng" sức khỏe của cơ thể. Việc đi bộ theo nhóm (cùng các thành viên khác trong gia đình) có thể dẫn đến một tình trạng là đua nhau đi, mỗi người có 1 thể trạng khác nhau, chẳng hạn người trẻ chúng ta có thể đi được 60 phút nhưng người lớn tuổi trong gia đình lại chỉ đi được 30 phút thôi. Nếu người già cố gắng đi theo người trẻ thì có thể làm cho tổn thương khớp của họ càng trở nên nặng nề. Do đó, chúng ta nên hướng dẫn ông bà, bố mẹ khi đi bộ hay bất kỳ môn thể thao nào khác cũng cần nghe ngóng cơ thể, mỗi lần đi mà cảm thấy đau phải dừng lại để nghỉ ngơi, không đi cố, phải lựa vào sức mình.

Dưới đây là một số bài tập được bác sĩ khuyến khích để người trẻ chúng ta có thể tập cùng ông bà, bố mẹ và các lưu ý khi tập.

1. Đi bộ

- Thời gian đi bộ đối với người cao tuổi chỉ nên là trên 30 phút.

- Tránh đi vào những thời điểm quá sớm vì khi đó không khí lạnh hay gây ra hiện tượng viêm xoang. Tránh đi vào những nơi bụi bặm nhiều do việc đi bộ khiến đường hô hấp tăng cường hoạt động, điều này vô tình khiến người cao tuổi hít phải càng nhiều bụi bẩn và vi khuẩn vào phổi, có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp do khói bụi.

- Nên chọn đôi giày mềm cho người cao tuổi đi bộ, vừa chân.

- Đi không quá nhanh, các bước đừng quá dài, bởi điều này dễ ảnh hưởng đến cơ đùi và gián tiếp dẫn đến tổn thương khớp gối. Ngoài ra, người già cũng cần lưu ý đừng vung tay quá mạnh có thể gây tổn thương gân bám; không ngẩng đầu quá cao hoặc cúi đầu quá thấp dẫn đến tổn thương cột sống cổ.

2. Đạp xe

Đạp xe tốt hơn so với đi bộ bởi khi thực hiện bài thể dục này các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân đã được yên xe đỡ trọng lượng cơ thể rồi, giải phóng cho đôi chân, giảm được lực tì đè, giảm ảnh hưởng của quá trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên, khi đạp xe cùng ông bà, bố mẹ, bạn cần lưu ý:

- Đạp xe ở nơi vắng vẻ, ít phương tiện giao thông để tránh tình trạng tai nạn, ngã có thể gây gãy xương. Thay vào đó, có thể đạp xe bằng máy tại nhà.

Đừng đẹp một mình: Những bài thể dục thanh niên có thể tập cùng ông bà bố mẹ, hiệu quả mà không sợ... hết hơi - Ảnh 2.

3. Bơi lội

Đây là môn thể thao rất tốt cho cơ và khớp, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bơi lội giúp các khớp dưới của cơ thể gần như không chịu tải nhờ sức nâng của nước mà vẫn đảm bảo giúp người cao tuổi vận động được các khối cơ, thúc đẩy tuần hoàn hô hấp, giảm nguy cơ đột quỵ.

4. Tập dưỡng sinh

Tập dưỡng sinh là bài tập rất phù hợp với những ông bà, bố mẹ ở độ tuổi 70, 80. Động tác nhẹ nhàng của nó làm cho tuần hoàn hô hấp tốt, tăng sức bền, dẻo dai của hệ thống gân cơ.

5. Yoga

Nếu người già tập yoga thì nên bắt đầu từ cơ bản, hình thức tập nên tăng dần lên. Đừng để người lớn tuổi tập theo những người bên cạnh (tập theo mình hoặc những thành viên trẻ tuổi khác trong gia đình) mà vẫn phải nghe ngóng cơ thể của ông bà, bố mẹ. Bởi có những động tác mà người trẻ làm được nhưng người già tập lại thấy đau cơ.

Ngoài ra, BS. Tú cũng nhắn nhủ khi tập luyện cùng ông bà, bố mẹ, người trẻ cần "coi mình như một người cao tuổi, phải tập theo các cụ, đừng để các cụ tập theo mình". Trước khi cho ông bà, bố mẹ tập luyện bộ môn nào, chúng ta cũng nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để xem những người thân lớn tuổi trong gia đình có những bệnh nền gì để tránh các môn tập có thể gây ra tai biến trong khi tập luyện.

Đừng đẹp một mình: Những bài thể dục thanh niên có thể tập cùng ông bà bố mẹ, hiệu quả mà không sợ... hết hơi - Ảnh 3.