Anh Tùng (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) là người rất yêu vợ thương con. Hàng ngày đi làm, xong việc ở công ty, anh luôn vội vàng về nhà đỡ đần việc nhà với vợ, cùng vợ chăm sóc con nhỏ. Đặc biệt, rửa bát luôn là công việc định sẵn hàng ngày cho anh vì "vợ nấu cơm, chồng rửa bát, phân công nhau ra cho công bằng, vợ đỡ nhọc".
Thói quen rửa đũa của anh Tùng khiến vợ anh vô cùng lo lắng. (Ảnh: TM)
Rất có ý thức làm việc nhà cùng vợ, tuy nhiên, anh Tùng lại hay làm qua loa. Rửa bát, đặc biệt là thói quen rửa đũa của anh khiến vợ anh vô cùng lo lắng. Chị Liên, vợ anh, hơn một lần thở dài phàn nàn: "Rửa bát đĩa thì không đến nỗi nhưng chồng chị rất chủ quan khi rửa đũa. Ông ấy toàn xối thẳng xuống vòi nước, dùng giẻ rửa bát chuốt lên xuống đúng 2 nhát, cho cả nắm đũa trong tay. Thế rồi xả sạch bọt nước rửa bát là cắm ngay vào ống".
Trong khi bình thường giống như rửa bát đĩa, chị Liên sẽ rửa từng đôi đũa, kiểm tra xem có cặn thức ăn bám vào hay không, rửa nước rửa bát rồi tráng qua tráng lại có giẻ rửa bát hỗ trợ vài lần. Đảm bảo sạch bong kin kít, chị Liên mới đặt vào ống đựng cho khô.
Chỉ vì chuyện rửa đũa như vậy mà vợ chồng chị cãi nhau không biết bao nhiêu lần. Anh Tùng nói vợ mình bị sạch sẽ, lo lắng thái quá. Trong khi chị Liên lo sợ ăn đũa kiểu này thường xuyên dễ rước bệnh tật vào người.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người thường vệ sinh đũa chưa thật sự kỹ càng, để lại nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn. (Ảnh minh họa)
Rửa đũa qua loa kiểu đó có nguy cơ tạo aflatoxin gây ung thư gan cực cao!
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đũa là đồ dùng được sử dụng trong hầu hết mọi bữa ăn. Nhưng giống như trường hợp trên phản ánh, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người thường vệ sinh đũa chưa thật sự kỹ càng, để lại nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.
"Đũa này sử dụng lâu ngày sẽ có số lượng lớn vi khuẩn bám vào. Đũa dùng càng lâu thì số lượng vi khuẩn bám vào càng nhiều", chuyên gia khẳng định.
Đặc biệt, ông Thịnh nhấn mạnh, nếu dùng đũa quá lâu và xuất hiện các vết nứt, cặn thức ăn dễ bám vào các vết nứt này, lâu ngày sẽ bị mốc, hư hỏng trong môi trường ẩm ướt.
Đũa dùng càng lâu thì số lượng vi khuẩn bám vào càng nhiều. (Ảnh minh họa)
Thậm chí, từ những ổ mốc này, nó có thể tạo ra aflatoxin có độc tính cao và gây ung thư gan. Dùng đũa kiểu này gắp thức ăn thì ngang "đổ thuốc độc" vào miệng, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi sử dụng đũa ăn hàng ngày cần chú ý 3 điều để tránh bệnh tật
1. Đặt đầu đũa hướng lên
Nhìn chung, đáy giỏ đựng đũa tương đối ẩm ướt, dễ sinh sôi vi khuẩn. Khi đặt đầu đũa xuống, cả tổng số khuẩn lạc và số lượng coliform đều cao hơn so với khi đặt lộn ngược.
Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, rước bệnh vào thân, chuyên gia khuyến cáo khi rửa đũa xong, mọi người chú ý xếp hết đầu đũa hướng lên trong ống cắm đũa.
Đáy giỏ đựng đũa tương đối ẩm ướt, dễ sinh sôi vi khuẩn. (Ảnh minh họa)
2. Thay đũa thường xuyên theo định kỳ
Đũa chắc chắn sẽ bị gãy trong quá trình sử dụng và bị bám cặn thức ăn. Tốt nhất bạn nên vứt bỏ những chiếc đũa đó và không bao giờ sử dụng nữa.
Thông thường, những đôi đũa sử dụng thường xuyên nên được thay thế sau 3 tháng mỗi lần. Do đó, bạn nên chú ý lịch thay đũa theo định kỳ, tránh rủi ro sức khỏe cho cả nhà.
3. Không dùng chung đũa với người bệnh
Một số bệnh có thể lây truyền qua đồ dùng gắp thức ăn, chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Nếu ở nhà có bệnh nhân như vậy, tốt nhất bạn nên dùng bộ đồ ăn riêng.
Đồng thời cần lưu ý trẻ dưới 6 tuổi có chức năng miễn dịch kém và dễ gây lây nhiễm chéo virus khi dùng chung bát đĩa, đũa. Tốt nhất nên sử dụng bộ đồ ăn dành riêng cho trẻ.