1. Đường
Quá nhiều đường không chỉ hại răng mà còn có thể ảnh hưởng tới gan. Cơ quan này sử dụng đường fructose để tạo ra chất béo. Quá nhiều đường tinh luyện và si-rô ngô có hàm lượng fructose cao gây tích tụ chất béo có thể dẫn đến bệnh gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường có thể gây hại cho gan giống như rượu, ngay cả khi bạn không thừa cân. Đó là một lý do nữa để hạn chế thực phẩm có đường, chẳng hạn như soda, bánh ngọt và kẹo.
2. Thuốc bổ thảo dược
Ngay cả khi nhãn ghi "tự nhiên", những thực phẩm bổ sung từ thảo dược có thể không phù hợp với bạn. Ví dụ, một số người dùng thảo dược kava kava để điều trị các triệu chứng mãn kinh hoặc để thư giãn. Nhưng các nghiên cứu cho thấy nó có thể khiến gan hoạt động bất bình thường. Từ đó có thể dẫn đến viêm gan và suy gan.
3. Thừa cân
Chất béo dư thừa có thể tích tụ trong tế bào gan và dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Kết quả là gan có thể sưng lên. Theo thời gian, nó cứng lại và để lại sẹo ở mô gan (bệnh xơ gan). Bạn có nhiều khả năng mắc NAFLD nếu thừa cân hoặc béo phì, ở độ tuổi trung niên hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ăn kiêng và tập thể dục có thể ngăn chặn bệnh.
4. Quá nhiều vitamin A từ thực phẩm bổ sung
Cơ thể cần vitamin A và chúng ta có thể lấy vitamin A từ thực vật như trái cây và rau quả tươi, đặc biệt là những loại màu đỏ, cam, vàng. Nhưng nếu bạn dùng thực phẩm bổ sung có hàm lượng vitamin A cao thì đó có thể là vấn đề đối với gan. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm vitamin A vì có thể bạn không cần nó.
5. Nước ngọt
Nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều nước ngọt có khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Các nghiên cứu không chứng minh đồ uống là nguyên nhân. Nhưng nếu bạn uống nhiều soda, đây có thể là lý do chính đáng để cắt giảm thức uống này.
6. Thuốc giảm đau acetaminophen (paracetamol)
Bạn bị đau lưng, đau đầu hoặc cảm lạnh và bạn tìm đến thuốc giảm đau. Nhưng hãy đảm bảo bạn đang sử dụng đúng liều lượng. Nếu vô tình uống quá nhiều bất cứ thứ gì chứa acetaminophen, chẳng hạn như một viên thuốc trị đau đầu và một loại thuốc trị cảm lạnh, và cả hai đều chứa acetaminophen, nó có thể gây hại cho gan.
7. Chất béo chuyển hóa (trans fats)
Chất béo chuyển hóa là chất béo nhân tạo có trong một số thực phẩm đóng gói và đồ nướng. Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa khiến bạn dễ tăng cân hơn và không tốt cho gan. Do đó, khi mua thực phẩm nên kiểm tra thành phần. Ngay cả khi nhãn ghi 0 gram chất béo chuyển hóa, nó vẫn có thể chứa một lượng nhỏ.
8. Rượu
Trên thực tế, dù không nghiện rượu, bạn vẫn có thể dễ dàng uống nhiều hơn mình nghĩ. Nhiều ly có thể chứa nhiều hơn một đơn vị cồn, tương đương 100 ml rượu vang, một cốc bia hơn 330 ml hoặc một chén rượu 30 ml. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không uống quá một đơn vị.