35 tuổi nhưng gan đã bị tổn thương nghiêm trọng
Bác sĩ Lạc Giai Lâm, làm việc tại Khoa Y học Gia đình, Bệnh viện Cơ đốc Phục Lâm, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ trong chương trình “Doctor Is So Hot” rằng bà đã điều trị cho một bệnh nhân nữ, 35 tuổi tên Lâm Lan bị tổn thương gan nghiêm trọng.
Bác sĩ Lạc Giai Lâm cho biết: “Bệnh nhân có tiền sử bị đau đầu lâu năm, tuy nhiên bệnh nhân không đến viện thăm khám hay điều trị mà tự mua thuốc giảm đau về nhà để uống.
Mỗi lần bị đau đầu, người phụ nữ đều sử dụng thuốc giảm đau paracetamol. Có ngày bệnh nhân thậm chí còn uống 10 viên thuốc giảm đau. Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau này diễn ra liên tục trong 2-3 năm. Gần đây, Lâm Lan đi khám sức khỏe theo chế độ của công ty và được chẩn đoán gan tổn thương nghiêm trọng, chức năng gan suy giảm”.
Theo bác sĩ Lạc Giai Lâm, thuốc giảm đau cần được sử dụng đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Việc Lâm Lan tự ý lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài là nguyên nhân khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng. Chuyên gia giải thích rằng thuốc giảm đau, đặc biệt là paracetamol sau khi tiến vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất peroxit, có thể gây hại chức năng gan.
Lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây tổn thương gan. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Lạc Giai Lâm đã yêu cầu Lâm Lan ngừng dùng thuốc giảm đau ngay lập tức để điều trị các vấn đề ở gan. Đồng thời, bác sĩ cũng giới thiệu Lâm Lan đến khoa thần kinh của bệnh viện để thăm khám và điều trị tình trạng đau đầu. Sau 3 tháng điều trị, tình trạng của Lâm Lan đã dần ổn định, chức năng gan đã trở lại bình thường. Đồng thời, chứng đau đầu của cô cũng đã được kiểm soát hiệu quả.
“Khi sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol, liều dùng tối đa mọi người nên sử dụng là 4000mg/ngày, tương đương với 8 viên Paracetamol (1 viên là 500mg). Uống quá 8 viên thuốc giảm đau một ngày có thể làm tăng gánh nặng trao đổi chất cho gan, tăng nguy cơ tổn thương gan. Để đảm bảo an toàn, mọi người vẫn nên sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Lạc Giai Lâm lưu ý.
Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý rằng việc sử dụng thuốc giảm đau cũng không thể giúp bệnh nhân điều trị dứt điểm nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng đau nhức trên cơ thể. Do đó, khi xuất hiện tình trạng đau nhức các vùng cơ thể kéo dài, mọi người nên đến khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh trở nặng và gây tổn thương tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Nguy cơ sức khỏe khi sử dụng thuốc giảm đau sai cách
Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có công dụng giảm đau chẳng hạn như: thuốc giảm đau nhóm NSAID bao gồm: Ibuprofen; naproxen…; thuốc giảm đau acetaminophen (Paracetamol); thuốc giảm đau aspirin,... Việc lạm dụng hoặc sử dụng sai cách các loại thuốc giảm đau kể trên có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe.
1. Các vấn đề ở dạ dày
Lạm dụng thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin và naproxen có thể gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Trong trường hợp nặng, nó có thể dẫn đến tình trạng loét và xuất huyết dạ dày.
Sử dụng thuốc giảm đau sai cách có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. (Ảnh minh họa)
2. Suy thận
Những người mắc tiểu đường, bệnh thận và huyết áp cao có nguy cơ cao bị tổn thương thận và suy thận nếu lạm thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen.
3. Sảy thai
Phụ nữ mang thai sử dụng thuốc giảm đau (như NSAID) trong 20 tuần đầu của thai kỳ dễ bị sảy thai hơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc giảm đau gây ảnh hưởng đến các hormone kích thích chuyển dạ trong thai kỳ. Do đó, phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.
4. Trầm cảm
Thuốc giảm đau làm giảm tác dụng của thuốc điều trị trầm cảm. Những người bị trầm cảm nên hạn chế dùng thuốc giảm đau.