Gừng vừa là gia vị vừa là thuốc, ngoài việc tạo thêm hương vị cho một số món ăn, gừng có thể giúp ngăn ngừa được nhiều chứng bệnh. Nhất là mùa đông lạnh, dùng gừng tươi thường xuyên có tác dụng kháng virut và kháng khuẩn, có lợi cho đường hô hấp, giúp xoang thông suốt, long đờm, hạn chế chất gây nhờn làm tắc nghẽn đường khí thở.
Ngoài ra, việc ngâm chân trong nước gừng đập dập sẽ có tác dụng Giảm tình trạng lạnh tay chân, cải thiện giấc ngủ và xóa tan mệt mỏi…
Tuy gừng có tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng các chuyên gia cho rằng không nên quá lạm dụng gừng vì không phải ai cũng dùng được và nếu ăn nhiều gừng có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng cho cơ thể và sức khỏe.
Một số sai lầm khi sử dụng gừng mà nhiều người hay mắc phải
Không tốt cho người bị bệnh về gan, sỏi mật
Gừng có vị cay nóng, kích thích sự bài tiết của các tế bào gan. Khi mắc các chứng bệnh về gan, nếu ăn hoặc uống nước từ gừng sẽ khiến cho các tế bào gan bị hoại tử. Bởi, bản chất của những tế bào gan thường bị hoại tử khi đang trong trạng thái được kích thích.
Tương tự như vậy, tính cay nóng của gừng sẽ làm cho các viên sỏi bị mắc kẹt trong túi mật, uống thuốc không thể tiêu hoặc đẩy sỏi ra ngoài được.
Do vậy khi mắc các chứng bệnh về gan hay sỏi mật tốt nhất bạn không nên lạm dụng loại thực phẩm này.
Không dùng khi mang thai và cho con bú
Theo kinh nghiệm dân gian, gừng được dùng trong thời gian đầu của thời kỳ mang thai nhằm giảm các triệu chứng buồn nôn, tiết nước bọt và giảm các triệu chứng ngộ độc. Còn trong nửa cuối của thai kỳ nên hạn chế dùng gừng vì nó có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ.
Và trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.
Không tốt cho người huyết áp cao, thân nhiệt cao
Người có huyết áp cao thì không thể uống nước gừng trong bất cứ lý do gì, đặc biệt là uống nước gừng vào đúng thời điểm đang lên cơn huyết áp cao. Lúc ấy nước gừng sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng cao, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến...
Tương tự khi thân nhiệt đang cao, nếu uống nước gừng hoặc ăn thức ăn có gia vị gừng sẽ làm cho thân nhiệt tăng cao hơn.
Nếu bị cúm virus mà không sốt hay sốt nhẹ vẫn có thể dùng gừng, nhưng khi đã có dấu hiệu sốt cao và có nguy cơ tổn thương các mạch máu và xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng gừng.
Ngoài ra, người bị sốt do cảm nóng thì đặc biệt không được uống nước gừng.
Món ăn bài thuốc từ gừng tươi
Gừng và mật ong
Nguyên liệu: Gừng tươi 1 nhánh; Nước 250-300 ml; Mật ong 1 thìa to.
Cách làm: Gừng tươi cạo sạch vỏ, thái lát mỏng hoặc đập dập, đổ nước vừa đun sôi để trong vòng 5-10 phút để gừng ngấm nước. Sau đó cho mật ong vào, hòa đều lên và thưởng thức.
Cách dùng: Khi bạn thấy có dấu hiệu của cảm cúm, như hắt hơi, sổ mũi, hoặc rát họng bạn nên uống ngay hỗn hợp này 2 lần/ngày vào buổi sáng (sau khi ăn) và buổi tối sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Bạn có thể kết hợp uống hỗn hợp trên với ngậm hoặc súc miệng bằng nước muối thường xuyên trong ngày (mỗi ngày từ 3-4 lần).
Khi cảm thấy đỡ hoặc khỏi hẳn, bạn vẫn nên uống thêm trong 1-2 ngày nữa (mỗi ngày một lần, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ăn) để tăng cường sức để kháng, tránh bị cúm trở lại.
Gừng và muối biển
Nguyên liệu: 50g gừng già; 20g muối hạt; 1 lít nước lọc.
Cách làm: Gừng chọn củ già, gọt vỏ và rửa sạch dưới vòi nước. Cho gừng vào cối giã nhỏ, nấu chung với 1 lít nước và muối hạt. Nước đun sôi vặn nhỏ lửa, sau 5 phút tắt bếp bạn có ngay tinh dầu gừng để dùng dần.
Cách dùng: Bài thuốc đặc biệt hữu hiệu cho trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi… Mẹ có thể dùng nước gừng ấm đun với muối cho trẻ ngâm chân. Vừa ngâm chân cho bé, mẹ vừa massage 2 lòng bàn chân con trước khi đi ngủ. Kiên trì thực hiện theo cách này liên tục trong 3 ngày sẽ giúp trẻ khỏi ho và sổ mũi.
Nấu cháo gừng
Nguyên liệu: 5-10g gừng tươi; 2-3 lòng trắng trứng gà; Hành lá, tía tô.
Cách làm: Gừng tươi rửa sạch gọt bỏ vỏ bên ngoài; Hành lá, tía tô rửa sạch thái nhỏ. Gạo vo sạch đun thành cháo rồi cho tất cả các thành phần trên vào khuấy đều.
Cách dùng: Phải ăn khi cháo còn nóng.