Khoa Da liễu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.H với các biến chứng nặng của bệnh vảy nến sau khi sử dụng thuốc nam.
Theo lời kể, ông H đã bị vảy nến hơn 40 năm. Do ngại nằm viện và mong muốn được chữa trị tận gốc bệnh vảy nến, mặc dù biết mình bị dị ứng thuốc nam, ông H vẫn quyết định sử dụng sau khi nghe lời mách bảo của người bạn và lời quảng cáo “có cánh” về thuốc nam sạch của thầy lang tại Tân Viên, An Lão.
Biến chứng trên da của bệnh nhân. Nguồn: BV.
Sau khi uống thang thuốc đầu, 1 -2 ngày sau, người bệnh cảm thấy người rất dễ chịu, ăn ngủ khỏe, bệnh tình khỏi nhanh. Khi uống hết thang thứ 3, người bệnh cắt thêm 4 thang, tổng là 7 thang thuốc. Kể từ lúc đó, bệnh bắt đầu có hiện tượng phát ra ngoài nhưng người bệnh không để ý nên uống thêm đến chén thuốc thứ 9.
Khi da đầu bị tróc vảy và cảm thấy nóng râm ran trong người, bệnh nhân lúc này mới ý thức được hậu quả, dừng không uống thêm đồng thời lập tức nhập viện.
Qua thăm khám của các bác sĩ khoa Da liễu, bệnh nhân ngứa nhiều, trên da có nhiều mảng dát đỏ, mụn mủ, loét da, bong vảy, có chỗ nứt da, rỉ dịch lan tỏa thân mình. Người bệnh cũng chưa có tiền sử dị ứng thuốc cũng như các bệnh lý mạn tính ở các cơ quan khác. Qua đó, người bệnh được chẩn đoán mắc vảy nến (bội nhiễm) và dị ứng chưa xác định (theo dõi dị ứng thuốc nam).
Người đàn ông này được chỉ định sử dụng kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, thuốc chống viêm. Tới nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tình trạng da cũng đã ổn định hơn rất nhiều.
Bác sĩ khuyến cáo, cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Do đó, người bệnh cần tới những phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, được áp dụng đúng liệu trình điều trị; Tuyệt đối không tin những lời đồn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến, tránh tiền tật mang.