Được gọi hai tiếng "con yêu" là quyền thiêng liêng và khát khao chính đáng của mỗi cặp vợ chồng, nhưng với nhiều gia đình, hành trình ấy không hề dễ dàng. Ngoài vấn đề gặp phải về sức khỏe sinh sản, các cặp vợ chồng còn gặp rào cản về kinh tế khi nhiều gia đình không đủ điều kiện, thậm chí kiệt quệ khi bước vào hành trình tìm con.
Hiện nay tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng - Ảnh: Các bệnh nhân tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ thăm khám vô sinh, hiếm muộn.
Sau 7 năm bị vô sinh hiếm muộn, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở Phú Thọ kiệt quệ về kinh tế khi trước đó phải chạy chữa nhiều nơi những đều bất thành. Chị cho biết, đông y hay tây y vợ chồng chị đều theo hết, có lúc cơ hội đến nhưng lại tuột khỏi tầm tay.
“Bao nhiêu tiền của chúng tôi đổ dồn vào, chỉ mong có một đứa con, rồi vay mượn mọi nơi nhưng cuối cùng đều thất bại. Sức khỏe kiệt quệ, tinh thần đi xuống, kinh tế khánh kiệt… đã có lúc chúng tôi nghĩ đến chuyện buông xuôi”, chị Huyền nói.
Trong lúc tuyệt vọng nhất, vợ chồng chị Huyền đã bám víu được vào “chiếc phao cứu sinh”, khi các bác sĩ đã khám miễn phí hiếm muộn cho cả hai vợ chồng. Sau khi có chẩn đoán, do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị Huyền đã được bệnh viện hỗ trợ chi phí để thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng (Micro TES) và chọc trứng tạo phôi. Nhờ sự hỗ trợ ấy, hai vợ chồng chị Huyền đã giảm bớt gánh nặng về kinh phí.
Ths.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học của một bệnh viện ở Hà Nội đang tiến hành phẫu thuật tìm tinh trùng (Micro TES) cho bệnh nhân.
“Khi áp lực kinh tế phần nào được giải tỏa, khiến tâm lý thỏa mái và niềm vui đã đến. Sau khi chuyển phôi tôi đã mang thai đôi, đến năm 2024, hai vợ chồng tôi đã chào đón hai thiên thần nhỏ đáng yêu và khỏe mạnh. Tôi muốn nhắn gửi đến các cặp đôi hiếm muộn rằng, dù hành trình tìm con vô cùng khó khăn và lâu dài, nhưng đừng mất niềm tin và hãy hy vọng rồi con yêu sẽ đến”, chị Huyền tâm sự.
Giống như vợ chồng chị Huyền, gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt (Thanh Hóa) cũng vô sinh hiếm muộn nhiều năm, nhưng nhờ nhận được gói hỗ trợ 100 triệu đồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng anh chị đã đón được con yêu chào đời. “Gần một năm kể từ ngày nhận được món quà may mắn ấy, con của chúng tôi giờ đã hơn một tháng tuổi, khỏe mạnh và vô cùng đáng yêu”, chị Nguyệt chia sẻ.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn của một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, hiểu được những nỗi niềm và khát khao có được con yêu của các cặp đôi bị hiếm muộn, đặc biệt là gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, bệnh viện vẫn có những chương trình hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân, giúp họ thắp lên niềm tin, hy vọng trong quá trình “tìm con” của mình.
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền, GĐ chuyên môn bệnh viện tư vấn và tiến hành thủ thuật chọc hút noãn cho bệnh nhân.
Qua đó, bác sĩ Hiền cũng mong muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân quan tâm hơn nữa đến vấn đề sức khỏe sinh sản nói chung và vô sinh, hiếm muộn nói riêng. Việc thăm khám sớm và điều trị kịp thời không chỉ giúp các cặp vợ chồng sớm đón được con yêu mà còn chủ động loại bỏ được những yếu tố nguy cơ với những bệnh lý di truyền tiềm ẩn, từ đó sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ. Trong đó, nhóm nguyên nhân vô sinh nam bắt đầu được chú ý và quan tâm nhiều hơn trước.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh. Việt Nam đang có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh ống nghiệm, có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.