Vì thường xuyên bị đau đầu trong vài năm trở lại đây, Tiểu Minh, một cô gái 25 tuổi người Tứ Xuyên (Trung Quốc) thường xuyên đến các bệnh viện lớn ở Thượng Hải để thăm khám. Các bác sĩ kê đơn cho nhiều loại thuốc chữa đau đầu thông thường nhưng cô vẫn bị đau đầu, chóng mặt, thỉnh thoảng tê mỏi chân tay.
Hai tuần trước, vì cơn đau đầu tái phát và ngày càng nặng hơn, cô đến khám tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Minh Châu thuộc Đại học Chiết Giang. Sau khi nghe mô tả về các triệu chứng, bác sĩ Hu Jun, người nhận tư vấn, đã sắp xếp cho Tiểu Minh kiểm tra cộng hưởng từ, và phát hiện ra rằng có 8 tổn thương rõ ràng trong hộp sọ. Bác sĩ Hu nghi ngờ Tiểu Minh bị nhiễm ký sinh trùng nội sọ.
Ảnh chụp cộng hưởng từ của Tiểu Minh
"Từ việc kiểm tra MRI, rõ ràng là có nhiều tổn thương trong sọ của bệnh nhân. Một khối u não thường không có nhiều tổn thương rời rạc như vậy, vì vậy chúng tôi nghiêng hơn về khả năng bị nhiễm ký sinh trùng", bác sĩ Hu cho biết. "Hơn nữa, bệnh sử cho biết bệnh nhân sống ở quê trước khi tốt nghiệp cấp 3, người dân địa phương quen uống nước thô, nhiễm ký sinh trùng nội sọ có lẽ liên quan đến uống nước thô".
Theo bác sĩ Hu, sự chèn ép và kích thích của tổn thương có thể là nguyên nhân chính gây ra chứng đau đầu và các triệu chứng khác của Tiểu Minh.
Sau khi điều trị tẩy giun bằng thuốc, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho Tiểu Minh, cắt bỏ hai tổn thương lớn nhất ở thùy trán trái của hộp sọ. Bệnh lý hậu phẫu khẳng định đó thực sự là một bệnh nhiễm ký sinh trùng.
Trong những năm gần đây, ký sinh trùng đã gây ra rất nhiều bệnh cho cơ thể con người. Ví dụ, có một cậu bé 2 tuổi nuốt một con ếch trong bài thuốc chữa bệnh động kinh. Kết quả là ký sinh trùng sparganosis phát triển trong cơ thể cậu bé. Một ví dụ khác là một bé gái 12 tuổi bị đau đầu và sau khi chẩn đoán, bác sĩ đã phải loại bỏ một con ký sinh trùng dài 25cm sau 6 năm nó ký sinh trên đầu cô bé.
4 lưu ý để phòng tránh ký sinh trùng
1. Không để nước chưa khử trùng tiếp xúc với khoang mũi
Khi đi bơi, rửa mặt ở những vùng (vũng) nước đọng… hầu hết mọi người đều không có ý thức tự bảo vệ, để nước tiếp xúc với khoang mũi dễ dẫn đến nhiễm ký sinh trùng.
2. Không uống và sử dụng các vật chứa nước đọng lâu ngày.
Nếu bạn không ở nhà trong một thời gian dài do đi du lịch và các lý do khác, có thể có ký sinh trùng ở đường ống nước đọng, trong thùng chứa nước hoặc các vật chứa nước đọng khác... phần nước đọng phải được xả sạch trước khi sử dụng.
3. Tẩy giun cho vật nuôi thường xuyên
Ngày nay, ngày càng có nhiều gia đình nuôi thú cưng, nhưng hãy nhớ tẩy giun sán cho thú cưng thường xuyên, tiêm phòng và bảo vệ tốt, rửa tay kịp thời sau khi tiếp xúc với thú cưng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
4. Tốt nhất không nên ăn đồ sống
Để phòng chống nhiễm ký sinh trùng hiệu quả, tốt nhất bạn không nên ăn đồ sống. Thay đổi thói quen xấu, không đắp thịt ếch, thịt rắn, da rắn lên da và vết thương; không ăn thịt ếch, rắn, gia cầm, lợn và các động vật khác mà không đảm bảo chất lượng, ăn sống hoặc tái; không nuốt mật rắn hoặc uống nước chưa qua xử lý...
Nguồn và ảnh: Sohu, Sina