Gạo chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể chứa vi nhựa, ăn lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu và ung thư

Ngày nay, vi nhựa (các mảnh hoặc sợi nhỏ hơn 5mm) trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Nó không những xuất hiện tràn lan trong tự nhiên mà còn "góp mặt" ngay trong những thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày.

Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong thực phẩm bao gồm trà, muối, rong biển, sữa, hải sản, mật ong, đường, bia, rau và nước ngọt. Nước máy cũng có chứa nhựa, thậm chí nước đóng chai còn chứa nhiều hơn thế. Và gạo cũng không phải là ngoại lệ.

Gạo chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể chứa vi nhựa, ăn lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu và ung thư - Ảnh 1.

Một lọ thủy tinh chứa mẫu vi nhựa được thu thập từ đại dương ở Hồng Kông (Ảnh: EPA)

Theo tờ The Guardian của Anh, một nghiên cứu về gạo mua từ siêu thị và cửa hàng thực phẩm lớn ở Queensland (Úc) đã tìm thấy vi nhựa trong mọi mẫu thử, cho dù gạo được trồng ở Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan hay Úc và được đóng gói bằng nhựa hay giấy.

Việc vo gạo có thể làm giảm lượng vi nhựa ăn vào. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã sử dụng nước lọc (uống được, gần như không có vi nhựa) để vo gạo thay vì nước máy (có thể cũng chứa vi nhựa) như nhiều gia đình vẫn làm. Kết quả cho thấy gạo trong những túi/hộp "cơm ăn liền" (loại gạo bạn chỉ cần bỏ vào lò vi sóng và quay trong vài phút là có thể ăn được - PV) chứa nhiều vi nhựa nhất.

Trong cùng khối lượng gạo là 100g, gạo chưa vo chứa trung bình 3-4mg vi nhựa, sau khi gạo được vo thì con số này giảm xuống 2,8mg. Điều này có nghĩa rằng việc vo gạo trước khi nấu sẽ giúp bạn làm giảm hàm lượng vi nhựa xuống 20-40%. Đối với gạo trong "cơm ăn liền", hàm lượng vi nhựa lên tới 13,3g, gấp 4 lần so với cả 2 loại ở trên.

Gạo chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể chứa vi nhựa, ăn lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu và ung thư - Ảnh 2.

Hàm lượng vi nhựa trong gạo của "cơm ăn liền" cao gấp 4 lần gạo thường

Tiến sĩ Jake O'Brien, tác giả chính của nghiên cứu từ Liên minh Khoa học Sức khỏe và Môi trường Queensland giải thích, sở dĩ gạo trong "cơm ăn liền" chứa nhiều vi nhựa hơn là bởi nó phải trải qua nhiều quá trình chế biến và đóng gói hơn là gạo thường. Cũng theo nghiên cứu, vi nhựa có rất nhiều con đường để "trà trộn" vào trong gạo, từ đất cho đến máy móc dùng để nhặt, lưu trữ, di chuyển và chế biến gạo, đến việc đóng gói và xử lý.

Ngoài ra, nhóm của ông O'Brien cũng đã tìm thấy hàm lượng nhất định vi nhựa trong tôm, hàu và cá mòi.

Theo Giáo sư Hu Zhiyuan từ Viện Các bệnh tiêu hóa, Trường Y khoa thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi nhựa ăn vào từ miệng có thể qua hệ thống miễn dịch ruột và đi vào máu hoặc hệ thống bạch huyết. Nó lưu thông trong cơ thể, gây kích thích hệ thống miễn dịch trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính, làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu và ung thư.

Nguồn: The Guardian, SkyPost