Theo lời kể của người thân, bệnh nhân có tiền sử bị viêm tai giữa. Cách đây ít lâu, lúc gội đầu bệnh nhân có bị nước chảy vào tai, sau đó có xuất hiện ù tai, đau tai. Nghĩ là bệnh cũ tái phát nên cô không đi khám mà mua thuốc uống theo đơn cũ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày một nặng cho đến khi tai của cô bắt đầu chảy mủ và xuất hiện tình trạng nôn mửa, cô mới đến viện khám.
Hình ảnh ổ áp xe trong não của bệnh nhân
Tại đây, các bác sĩ cho biết cô bị áp xe não xuất phát từ tai, cần phẫu thuật gấp. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của bệnh nhân trên thật đáng tiếc. Bệnh viêm tai giữa tái phát tuyệt đối không được chủ quan. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị vì nếu để bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, thậm chí có thể khiến xương chũm bị tổn thương nặng, nhiễm trùng, áp xe não gây nguy hiểm tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi để nước vào tai thì cần được làm sạch đúng cách, kịp thời. Nếu xuất hiện các triệu chứng viêm tai giữa với biểu hiện như đau tai, ù tai, sốt… thì cần khám sớm.
2 sai lầm thường gặp khi xử lý nước vào tai cần tránh
Ảnh minh họa
Không dùng bông tăm ngoáy tai
Nếu trong tai bạn đang có một lượng ráy tích tụ thì việc dùng tăm bông có thể đẩy ráy tai và bụi bẩn vào sâu bên trong ống tai. Nó không chỉ khiến tai mất lớp sáp bảo vệ mà còn gây tổn thương vùng da mỏng trong ống tai.
Không dùng tay hay vật cứng ngoáy tai
Tự ý đưa ngón tay hoặc móng tay cũng như các loại tự chế như ghim giấy, đầu cây viết, đầu nhíp, giấy se dài… vào tai: Những vật cứng này khi đưa vào rất dễ làm tổn thương da ống tai, thậm chí làm thủng rách màng nhĩ, nhất là khi có ai đó vô ý chạm vào tay bạn.
Xử lý nước vào tai đúng cách
Nếu nước vào tai ít, chỉ cần nghiêng đầu, kéo vành tai xuống lắc lắc là nước sẽ ra ngoài, phần nước còn lại sẽ được hấp thu bởi tổ chức dưới da của ống tai ngoài.
Nếu dùng biện pháp đó mà vẫn cảm thấy nước vẫn còn trong ống tai, dùng một miếng bông khô đặt ở cửa tai để hút nước từ ống tai ra, không được lau hay ngoáy tai. Nếu vẫn thấy khó chịu phải đến bác sĩ tai mũi họng khám.