Gia tăng mắc sốt xuất huyết, đây là điều cấm kỵ nhưng nhiều người vẫn tự ý làm khiến nguy hiểm đến tính mạng

Hiện nay ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều địa phương. Theo các chuyên gia, khi mắc sốt xuất huyết không nên làm điều cấm kỵ này, thậm chí đã có trường hợp tử vong vì tin tưởng làm như vậy sẽ nhanh khỏi.

  

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội công bố mới đây cho thấy ghi nhận thêm hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong vòng 1 tuần từ ngày 31-8 đến 6-9. Từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.802 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Không chỉ ở Hà Nội mà TP.HCM cũng gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết. Một số ca bệnh được chuyển đến trong tình trạng nặng. Đáng nói là đã có những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết khi truyền dịch tại nhà.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM) cho rằng, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue. Bệnh diễn biến khoảng 5- 7 ngày, với ca nhẹ thường tự khỏi.

Tuy vậy, tâm lý chung của nhiều người cứ thấy bệnh nhân sốt cao là nghĩ mất nước và cần truyền nước ngay để điều trị. Việc tự ý truyền dịch để điều trị sốt xuất huyết mà không được giám sát là điều tối kỵ, có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. Nếu không được theo dõi sát, xử lý đúng mà người bệnh bị sốc do cơ thể đang phản ứng mạnh chống virus và có thể dẫn tới các biến chứng nặng do thừa dịch như phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn... Khi xử lý không kịp thời, nguy hiểm tính mạng là điều rất dễ xảy ra.

Có những trường hợp tự ý truyền dịch tại nhà khi đến viện các bác sĩ phát hiện ra có rất nhiều dịch trong ổ bụng. Tiên lượng cho bệnh nhân nặng nề hơn.

Gia tăng mắc sốt xuất huyết, đây là điều cấm kỵ nhưng nhiều người vẫn tự ý làm khiến nguy hiểm đến tính mạng - 1

Truyền dịch cần theo chỉ định và theo dõi sát của cán bộ y tế. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, việc truyền dịch chỉ chỉ định cho một số trường hợp không ăn uống được, nôn nhiều hoặc một số trường hợp diễn biến nặng. Khi thực hiện cần phải sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế. Ngay cả những trường hợp truyền dịch theo đúng chỉ định, kỹ thuật truyền đúng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tai biến chứ chưa nói đến việc lạm dụng truyền dịch không theo chỉ định và không cần thiết. Bởi vậy, khi bị sốt xuất huyết mọi người cần thận trọng trong việc tự ý truyền dịch.

Hiện nhiều người vẫn còn chủ quan với bệnh do nhầm lẫn giữa sốt của bệnh sốt xuất huyết với các loại sốt siêu vi khác mà vào viện muộn. Về cách phân biệt, BS Trương Hữu Khanh đã chỉ ra rằng, để phân biệt được mọi người cần theo dõi quá trình sốt và các dấu hiệu đặc hiệu. Chẳng hạn, dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da tại nốt phát ban nếu chấm đỏ mất đi là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti, sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện là sốt xuất huyết.

Khi thấy sốt 2 ngày dù không có những triệu chứng gì liên quan đến sốt xuất huyết như xuất huyết ở da hoặc niêm mạc… vẫn cần thận trọng đi khám, làm xét nghiệm sốt xuất huyết.

Chuyên gia khuyến cáo, sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà, nhưng đến những giai đoạn quan trọng cần được bác sĩ khám, kiểm tra tình trạng tiểu cầu, biến chứng. Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày 3 - 6 của bệnh với các triệu chứng giảm sốt, hạ huyết áp, xuất huyết…

Hiện bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng bệnh. Con đường chính giúp bệnh lây lan và phát triển nhanh chóng đó là thông qua muỗi vằn. Bởi vậy, mọi người nên thực hiện theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phòng bệnh bằng cách diệt loăng quăng/ bọ gậy; Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; Vệ sinh môi trường…

Khi có các dấu hiệu của bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị, tránh việc tự ý điều trị tại nhà mà gặp biến chứng.