Bộ Y tế cho biết, qua đánh giá dữ liệu lâm sàng từ 53.608 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, có hơn 42.000 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm tỷ lệ 79,4%), gần 5.000 ca ở mức độ trung bình (khoảng 9,2%) và hơn 6.000 ca nặng, nguy kịch (11,5%). Đã có hơn 11.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 40 tỉnh thành. Riêng tại TPHCM, số ca tử vong chiếm hơn 80% tổng số ca trên cả nước.
Qua phân tích dữ liệu 5.575 ca tử vong đủ thông tin cho thấy có 77,1% ca tử vong là ở tầng điều trị thứ 2, không phải là tầng có bệnh nhân nặng nhất. Nghiên cứu hơn 5.000 ca tử vong ở TPHCM cho thấy, lứa tuổi từ 50 đến 64 chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất (gần 36%), từ 65 đến 74 tuổi chiếm 29%, từ 75 đến 84 tuổi chiếm hơn 15%.
Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, các cơ sở y tế đang tổ chức điều trị, thu dung theo phương châm 4 tại chỗ và tháp 3 tầng, thay vì mô hình 5 tầng trước đó.
Theo thống kê sơ bộ của ngành y tế TPHCM, tầng điều trị thứ 2 trong mô hình tháp 3 tầng là nơi bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện nhiều nhất, nhưng cũng có nhiều ca tử vong nhất. Tính từ đầu năm đến nay, số ca tử vong do COVID-19 ở TPHCM là hơn 8.300. Tỷ lệ tử vong tại TPHCM hiện dao động trong khoảng 250-300 ca/ngày.
Thêm hơn 10.000 người khỏi bệnh Ngày 31/8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 12.607 ca mắc COVID-19; 10.044 bệnh nhân khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi đã lên đến 238.860 người. |
Phân tích cho thấy, với biến chủng Delta, khoảng 85% số ca F0 nhẹ và khỏi bệnh khi điều trị tại nhà hoặc điều trị tại các cơ sở y tế.
Tuy vậy, vẫn còn 10-15% số ca F0 chuyển nặng, trong đó có những ca F0 chuyển nặng nhanh đến mức bác sĩ trở tay không kịp. Do đó, trong những ngày tới, ngành y tế sẽ dồn sức tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nếu bệnh nhân tại tầng điều trị thứ nhất (tầng1) được cách ly kịp thời, có đủ dinh dưỡng, tinh thần thoải mái và được hướng dẫn đầy đủ về kiểm soát nhiễm khuẩn, tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng thì sẽ giảm thiểu nguy cơ phải chuyển tầng.
Do đó, đây được coi là tầng quan trọng nhất để giảm các ca chuyển nặng và tử vong. Bệnh nhân chỉ cần điều trị khoảng 10 ngày ở tầng 1 là có thể ra viện, về nhà. Ông Khuê cho biết, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đã chuyển sang mô hình “bệnh viện tách đôi” để sẵn sàng đón nhận bệnh nhân chuyển từ tầng 1 sang tầng 2.
Ba yếu tố quyết định
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng, có 3 yếu tố rất quan trọng mà tầng điều trị thứ 2 phải chuẩn bị là ô xy, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. Nếu làm tốt việc điều trị ở tầng này, sẽ giảm số ca COVID-19 chuyển nặng, tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.
“Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng. Do đó, các địa phương khẩn trương rà soát lại nhu cầu số lượng ô xy điều trị, bồn chứa ô xy, bình lớn chứa ô xy... ở các cơ sở y tế thuộc tầng 2”, ông nói.
Ở tầng này, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao trong điều trị, máy thở không xâm nhập, cùng một số trang thiết bị mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được. Đồng thời, phải luôn có thuốc kháng đông và kháng viêm, phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng.
Để kéo giảm số ca tử vong tại tầng điều trị thứ 2, ngành y tế TPHCM vừa đưa ra một số giải pháp. Trong đó, yêu cầu lực lượng y tế tầng này phải kịp thời đánh giá sớm nhất tình trạng ca F0 chuyển nặng để chuyển tầng điều trị phù hợp.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, với những ca F0 đang điều trị tại nhà và các khu cách ly quận, huyện, túi thuốc chăm sóc F0 đã được cấp phát, trong đó có thuốc kháng virus Molnupiravir, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hạ thấp tỷ lệ ca F0 chuyển nặng từ giai đoạn sớm trong 5 ngày đầu người bệnh mới mắc COVID-19.