Gọi đồ ăn về nhà mùa dịch, ai cũng cần biết những nguyên tắc sau để COVID-19 không "ghé thăm" nhà bạn

Theo các chuyên gia, khi mua hàng online và có tiếp xúc với người giao hàng, nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra nếu chẳng may người giao hàng đang mang mầm bệnh.

  

Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiếp tục lây lan trong cộng đồng, nhiều người dân đã nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của Chính phủ về việc ở nhà, hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với nhiều người tại nơi công cộng.

Cũng từ đó, việc mua hàng online, mua sắm trực tuyến qua các kênh bán hàng cũng được nhiều người lựa chọn thay cho việc phải ra chợ hay đến các siêu thị để mua hàng. Không chỉ các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm đông lạnh, tươi sống, nhu cầu gọi đồ ăn, thức uống về tận nhà cũng đang được nhiều người ưa chuộng và đang trở thành xu hướng "hot" trong những ngày qua.

Dù là dịch vụ tiện lợị nhưng vẫn có không ít người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ việc giao – nhận đồ ăn giữa người giao hàng (shipper) và người đặt hàng. 

Gọi đồ ăn về nhà mùa dịch, ai cũng cần biết những nguyên tắc sau để COVID-19 không "ghé thăm" nhà bạn - 1

Mua hàng online đang trở nên phổ biến trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Luận (ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, gần đây, do làm việc online tại nhà, lại phải trông con nhỏ nên chị hầu như không có nhiều thời gian để đi chợ mua thực phẩm. Chính vì vậy, chị thường lựa chọn cách mua hàng online để tiết kiệm thời gian cũng như việc hạn chế phải ra ngoài đường.

"Tiện thì tiện thật, chỉ việc ở nhà chọn món và đợi shipper giao hàng tận nơi nhưng vẫn phải tiếp xúc với người lạ khi nhận hàng khiến tôi cũng có phần lo lắng", chị Luận nói.

Cũng như chị Luận, anh Xuân Mạnh (cùng trú tại Hà Đông) cho rằng, dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn càng hot thì shipper lại chính là những người có quá trình tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, rất khó để có thể biết được, người mà chúng ta tiếp xúc đã đi những đâu và gặp những ai.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi mua hàng online và có tiếp xúc với người giao hàng, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể xảy ra nếu người giao hàng đang mang mầm bệnh.

Những nguy cơ lây nhiễm từ shipper có thể là: Tiếp xúc trực tiếp với shipper mà cả hai người đều không đeo khẩu trang hoặc có đeo nhưng lại vô tình đeo không đúng hoặc kéo xuống để dễ nói chuyện; cầm tiền trả lại từ shipper; chạm vào bề mặt túi hàng có dịch tiết nước bọt của người giao hàng.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi gọi đồ ăn về nhà, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc sau:Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt

Gọi đồ ăn về nhà mùa dịch, ai cũng cần biết những nguyên tắc sau để COVID-19 không "ghé thăm" nhà bạn - 2

Nên chuyển khoản, dùng ví điện tử hoặc các hình thức thanh toán trực tuyến khác khi mua hàng online, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt để tránh lây bệnh. Ảnh minh họa

Tiền được coi là một vật trung gian lây nhiễm bệnh nếu chẳng may trên bề mặt tiền dính dịch tiết nước bọt của người nhiễm bệnh COVID-19. Do đó, nên hạn chế việc giao dịch bằng tiền mặt khi thanh toán tiền hàng.

Đây là bước đầu tiên để tránh việc phải tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng. Nếu có thể, người mua nên thanh toán bằng chuyển khoản, qua ví điện tử hay các hình thức thanh toán trực tuyến khác ngay khi đặt hàng.

Theo đó, khi nhân viên giao hàng tới, chúng ta đã cắt giảm được khâu thanh toán và chỉ cần đề nghị nhân viên giao hàng đặt đồ ăn cách xa vị trí mình đứng 2 mét. Sau đó, lấy đồ ăn khi shipper đã rời đi.

Trong trường hợp phải thanh toán bằng tiền mặt, lưu ý, nên chuẩn bị sẵn số tiền ứng với giá trị hàng mà mình đặt. Tránh việc phải nhận tiền trả lại từ người giao hàng.

Luôn nhớ đeo khẩu trang khi lấy đồ ăn

Đây là việc làm vô cùng quan trọng giúp hạn chế trực tiếp các giọt bắn nước bọt trong quá trình giao - nhận hàng. Đeo khẩu trang phải đúng cách, che kín cao hơn mũi. Bên cạnh đó, không nên đứng quá gần người giao hàng. Việc lấy đồ ăn nên được thực hiện nhanh gọn.

Gọi đồ ăn về nhà mùa dịch, ai cũng cần biết những nguyên tắc sau để COVID-19 không "ghé thăm" nhà bạn - 3

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: TL

Bỏ đũa, thìa nhựa không cần thiết

Khi gọi đồ ăn, nhiều cửa hàng thường chuẩn bị cả khăn giấy, đũa, thìa nhựa. Tuy nhiên, nếu ăn ở nhà, không nên sử dụng các vật dụng này. Nên dùng đũa, thìa của gia đình mình để đảm bảo an toàn.

Với những đồ uống sử dụng ống hút, nếu ống được đóng trong giấy bóng bảo vệ, có thể yên tâm bóc lớp giấy bóng và sử dụng. Nếu ống trần, không có lớp ngoài bảo vệ thì không nên đưa lên miệng. Nếu cẩn thận, có thể đổ sang cốc của mình để uống trực tiếp, không cần sử dụng ống hút.

Rửa tay trước và sau khi ăn

Sau khi nhận đồ ăn, tháo bỏ túi đựng (thường là túi nilon) vứt vào thùng rác. Lưu ý, không đưa tay lên sờ vào mắt, mũi, miệng trong quá trình nhận hàng và tháo bỏ lớp túi nilon.

Tiến hành rửa tay bằng xà phòng và nước sạch (quy trình rửa tay 6 bước theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đạt hiệu quả cao nhất). Việc làm này giúp làm sạch tay, loại bỏ virus gây bệnh nếu chẳng may trong quá trình cầm nắm bị chạm vào.

Đặc biệt, với các món ăn hay dùng tay trực tiếp cầm đồ ăn (gà rán, bánh mì, đồ ăn vặt…), việc vệ sinh tay sạch sẽ lại càng quan trọng.

Ăn xong, thu gọn vỏ hộp nhựa, cốc vào thùng rác. Và không quên rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh lây nhiễm dịch bệnh.