Theo Sở Y tế Hà Nội, trường hợp tử vong này là bệnh nhân nữ 86 tuổi, ở huyện Quốc Oai. Bà được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ...
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu, dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Ảnh minh họa.
Đây là ca tử vong đầu tiên của thành phố do nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay. Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ…
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có một người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 ca và số ca tử vong tương đương.
Theo Bộ Y tế, có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn gồm:
- Những người tham gia giết mổ heo, chế biến thịt heo ốm, chết.
- Thứ hai là người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung.
- Thứ ba là những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ heo không được chế biến kỹ.
Biểu hiện bệnh nhiễm trùng liên cầu lợn
Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ cho đến 2-3 ngày, tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.
Bệnh cảnh phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não. Biểu hiện của viêm màng não phổ biến như sau: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình… Khám có biểu hiện gáy cứng, chọc dịch não tủy có biến loạn: dịch đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein trong dịch não tủy….
Trường hợp nặng tiến triển nhanh chóng hội chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn (có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm màng não): trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh chóng.