Hàng trăm viên sỏi được lấy ra từ túi mật của người phụ nữ

Khi phẫu thuật cắt túi mật cho nữ bệnh nhân, bác sĩ lấy ra hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ.

Các bác sĩ tại Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, vừa phẫu thuật nội soi thành công để cắt bỏ túi mật chứa hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng cho một bệnh nhân nữ 54 tuổi, trú tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi nhiều nhất từng thực hiện tại trung tâm.

Theo BS Hà Quốc Toản, bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm và đã điều trị viêm túi mật nhiều lần, nhưng chưa sắp xếp được thời gian để phẫu thuật. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau tức vùng hạ sườn phải và đã được các bác sĩ tư vấn thực hiện cắt túi mật để loại bỏ nguyên nhân gây viêm. Sau khi đồng ý, ca phẫu thuật diễn ra thành công và sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.

Hàng trăm viên sỏi lấp đầy túi mật người phụ nữ. 

Hàng trăm viên sỏi lấp đầy túi mật người phụ nữ. 

Dấu hiệu nhận biết sỏi mật

Bác sĩ chia sẻ, nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau dữ dội vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị (giữa rốn và xương ức), đặc biệt sau khi ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Các cơn đau có thể xuất hiện đột ngột vào ban đêm, gây mất ngủ và suy nhược cơ thể. Khi sỏi mắc kẹt ở cổ túi mật, bệnh nhân có thể chịu các cơn đau kéo dài từ 30 phút đến vài giờ, tăng dần theo tình trạng sức khỏe.

Sỏi mật cản trở dịch mật đến hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như khó tiêu, đầy hơi, chán ăn,... Triệu chứng thường rõ ràng hơn sau bữa ăn, đặc biệt là khi dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Người bệnh cần cảnh giác và nên đến cơ sở y tế uy tín nếu gặp các dấu hiệu sau:

- Đau bụng kéo dài trong nhiều giờ, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.

- Sốt cao trên 38 độ, kèm theo toát mồ hôi và ớn lạnh.

- Cảm giác chướng bụng, nôn ói liên tục.

- Da và mắt vàng, kèm ngứa da gây khó chịu.

- Khi nhận thấy những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.