Theo lương y Vũ Quốc Trung, hành lá giàu chất xơ, vitamin C, vitamin K, vitamin A, vitamin B12, các flavonoid thiết yếu, đồng và kali làm thông khí, khí đẩy huyết, huyết đẩy khí... điều hòa kinh mạch và tạng phủ.
Giải cảm
Hành hoa 10g, lá tía tô 10g, hai vị đem thái nhỏ, lòng đỏ trứng 2 quả. Nấu cháo hoa sau đó cho hành hoa và tía tô, trứng vào đánh đều lên, ăn khi cháo còn nóng. Bài thuốc này có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi.
Chữa tiểu tiện không lợi
Củ hành hoa 5g, gián đất 1 con, giã nát, băng đắp vào rốn. Tiếp đó có thể dùng bài thuốc sau: hành 20g, mã đề 20g, râu ngô 15g, rễ cỏ tranh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa ngạt mũi, thở không thông
Hành 20g sắc uống.
Chữa viêm tuyến vú
Hành 20 - 30g, giã nát, hấp nóng. Đắp chườm vào chỗ đau.
Chữa u xơ tiền liệt tuyến
Củ hành to 5 củ, phèn chua 9g. Nghiền phèn chua thành bột mịn, giã nát với củ hành thành dạng hồ, băng đắp vào rốn.
Chữa động thai ra máu
Hành củ 20g, giã nát. Ăn với cháo gạo nếp khi còn nóng.
Chữa giun chui ống mật
Hành 80g, giã vắt lấy nước, trộn với 40ml dầu thực vật. Hoặc uống nước hành sau đó uống dầu.
Chữa cảm cúm nhức đầu
Hành ta 6 - 8 củ, gừng sống 10g, xắt mỏng, đô vào 1 cốc nước sôi, xông miệng mũi mỗi ngày 2-3 lần. Đồng thời nên sắc nước gừng và hành để uống (1 ly giữa bữa ăn và 1 ly trước khi đi ngủ).
Chữa cảm sốt nhức đầu
Hành củ 30g, gừng tươi 20g, chè búp khô 8g, tía tô 6g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
Chữa bụng dưới trướng đau
Củ hành, ruột ốc ruộng. Lượng bằng nhau, cùng giã nát, đun chín, dán vào huyệt quan nguyên (cách dưới rốn khoảng 3 tấc ta).
Giúp cho xương chắc khỏe
Ăn hành lá thường xuyên giúp cho xương chắc khỏe.