Hành muối là một trong những món ăn dễ còn dư thừa lại sau Tết. Sử dụng lượng vừa phải dưa hành muối có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Do có chứa nhiều men probiotics và các vi khuẩn có lợi nên nếu ăn đúng cách sẽ giúp kích thích tiêu hóa, có lợi cho đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch.
Dưa hành rất tốt cho những người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón… Bên cạnh đó, dưa hành cũng là thực phẩm có tác dụng giữ nước, có khả năng tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút. Giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường tiết mồ hôi, ngừa cảm cúm, cảm lạnh.
Tuyệt đối không ăn khi có dấu hiệu váng mốc. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau Tết thường khí hậu nồm ẩm, dưa hành nếu không được bảo quản tốt sẽ rất dễ bị nổi váng mốc đen và có màu, mùi khác lạ. Nhiều người vẫn có thói quen rửa qua nước muối loãng và bóc lớp vỏ ngoài tiếp tục ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, dưa hành xuất hiện váng mốc là xuất hiện một số loại nấm gây hại, loại vi nấm này có thể sản sinh ra độc tố aflatoxin, chất có nguy cơ cao gây ung thư gan, tổn thương tim, phổi, hệ thần kinh trung ương...
Các chuyên gia khuyến cáo mặc dù dưa hành tốt, nhưng không ăn quá nhiều và không ăn dưa hành muối quá độ để phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc:
Nguy cơ ung thư
Trong dưa hành muối có hàm lượng nitrit lớn, gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt thói quen của người Việt là ăn kèm dưa hành với các món mặn có hàm lượng đạm và protein cao. Điều này khiến nitrit có trong hành muối tạo phản ứng với các amin bậc hai có trong thực phẩm và tạo thành hợp chất nitrozamin gây ung thư.
Nguy cơ ngộ độc
Như chúng ta đã biết, hành là loại thực phẩm giàu axit nitrite nên rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình muối chua và lên men sẽ tạo ra các loại vi khuẩn có khả năng biến đổi axit nitrite thành các nitrite vi lượng dạng nguyên chất.
Nitrite nguyên chất sẽ gây ngộ độc nếu chúng ta tiêu thụ chúng với hàm lượng lớn. Chính vì thế, ăn dưa hành muối quá nhiều tất nhiên sẽ dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm, thậm chí gây tử vong.
Tăng huyết áp
Hàm lượng muối trong dưa hành rất cao có thể gây nên các vấn đề về tuần hoàn và tim mạch. Đặc biệt chế độ ăn dư thừa muối là nguyên nhân chính khiến thành mạch cứng hơn gây nên tình trạng tăng huyết áp.
Ảnh minh họa
Mắc bệnh đường tiêu hóa
Trong dưa hành có nhiều chất gây chua làm dạ dày tăng tiết dịch vị, gây đau dạ dày. Ngoài ra trong dưa hành muối còn chứa nitrosamin gây ung thư dạ dày. Đặc biệt, khi sử dụng dưa hành muối và uống rượu đồng thời sẽ gây nên tình trạng nóng ruột, khiến tình trạng đau dạ dày nặng hơn.
Gây mùi cơ thể
Đặc trưng của dưa hành muối chính là vị chua hăng của hành. Vì vậy, nếu sử dụng quá nhiều dưa hành muối có thể sẽ gây hôi miệng và khiến cơ thể có mùi. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chất gây mùi trong hành sẽ hấp thu vào trong cơ thể và bài tiết qua tuyến mồ hôi.
Lưu ý: Những người mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày… tốt nhất không nên ăn hành muối.
Trước khi ăn rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc bằng nước muối pha loãng. Bóc bỏ vỏ ngoài, chỉ ăn phần trắng nõn. Tuyệt đối không ăn hành muối bị nổi váng mốc khác lạ hoặc mốc đen.