Cây phi yến
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, tất cả loài phi yến đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim, do đó có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn.
Cây phi yến độc nhất trong thời kỳ đầu sinh trưởng, giảm dần khi trưởng thành. Độc tố tập trung nhiều nhất trong hoa, hạt và quả. 2 miligam hạt cây này đủ để giết chết một người trưởng thành. Các nhà khoa học hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu với độc từ cây này.
Hoa phi yến.
Còn theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, có rất nhiều loại hoa, cây cảnh chứa chất độc, có thể gây dị ứng. Một số có thể gây tổn thương bởi gai nhọn.
Cây sừng trâu
Cây này có tên khoa học là Strophanthus caudatus. Đây là loài có hoa rất đẹp, quả có hình như những chiếc sừng trâu và độc tính mạnh. Ngộ độc cây sừng trâu khiến người bồn chồn vật vã, nôn kéo dài, gây hội chứng mất nước và rối loạn điện giải, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai thở khó, mắt mờ dần và rối loạn nhịp tim, lúc nhanh, lúc chậm, triệu chứng rầm rộ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48 giờ. Tránh trồng các loại cây này nếu nhà có trẻ nhỏ.
Tránh không trồng trong nhà, trong khu vực chơi đùa của trẻ, hoặc dọc các lối đi bộ để trẻ không đến gần.
Xương rồng và các loại cây có gai
Những loại cây này có khả năng làm trẻ chảy máu, trầy xước khi tiếp xúc với da, đặc biệt nguy hiểm với mắt. Nên trồng các loài cây mọng nước thuộc họ xương rồng nhưng không có gai. Ngoài ra, một số loài xương rồng có nhựa cũng gây dị ứng nặng cho da và mắt.
Ớt (đặc biệt các giống mới)
Hiện nay có nhiều giống ớt được trồng trong chậu cảnh để trưng bày. Ớt, đặc biệt là loại có màu đỏ, trái nhỏ rất hấp dẫn đối với trẻ em. Mặc dù ăn chúng không có khả năng gây tử vong nhưng ớt nóng có thể khiến trẻ rất khó chịu, gây bỏng rát nếu tiếp xúc ngoài da, gây cay nóng nếu nuốt phải. Cần cảnh báo trẻ em không được chạm vào hoặc nuốt.
Hoa loa kèn
Chất độc chiết xuất từ lá và hoa loa kèn có thể được sử dụng giống như một chất gây ảo giác hiệu quả trong y tế, nhưng khi dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Thành phần gây tác động bao gồm atropine, hyoscyamine và scopolamine gây nên triệu chứng mê sảng, điên loạn.
Cây vạn tuế
Loại cây này thuộc họ thiên tuế Cycadaceae. Ở Việt Nam, loại cây này thường được rất nhiều cơ quan, trường học, gia đình lựa chọn trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc gần hoặc dùng tay vặt lá, hạt, vỏ vạn tuế, người tiếp xúc có thể bị ngộ độc. Các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư, ngay cả trong hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao. Các nhà khoa học khuyên không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín bởi nó có thể gây bệnh, ngộ độc thậm chí gây tử vong cho người.
Cây trúc đào
Tên khoa học là Nerium oleander. Toàn thân trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Cây trạng nguyên
Nếu ăn phải loại hoa này sẽ gây rối loạn tiêu hoá do viêm dạ dày và ruột.
Hoa rum
Lá và củ của cây hoa rum chứa chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị ói mửa, bỏng rát bề mặt niêm mạc.
Làm thế nào để có thể nhận ra một cây là có độc? Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, không có đặc điểm chung về hình dạng, màu sắc, mùi hoặc hương vị, mà phân biệt một cây có độc hay không độc. Tuy nhiên, có một số quy luật chung như: cây có vị đắng, nặng mùi (thơm đậm hoặc rất hôi), nhựa trắng như sữa hoặc hạt màu đỏ có thể độc. Để tránh ngộ độc, chúng ta cần phải học cách nhận biết và tránh thực vật có độc để có thể dạy cho con em chúng ta tránh những loài thực vật đó. Các phụ huynh có thể lên mạng tự tra danh sách các loài cây có độc, ghi nhớ hình dáng và tác hại của chúng để bảo vệ an toàn cho trẻ. |