Không tập thể dục, không ăn kiêng vẫn sống thọ 112 tuổi
Bà Nghiêm Ấu Vận được xem là một trong những người sống thọ nhất nhì Trung Quốc, 112 tuổi. Sinh ra trong một gia đình đông con ở Thượng Hải, từ nhỏ, người phụ nữ này đã được hưởng nền giáo dục tốt. Không chỉ học giỏi, bà còn có những năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm như piano, hội hoạ hay khiêu vũ…
Cụ bà Nghiêm Ấu Vận
Sau này, bà gặp được người bạn đời của mình và đã tổ chức đám cưới vào năm 24 tuổi. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ kéo dài khoảng 9 năm thì người chồng của của bà qua đời. Nghiêm Ấu Vận đã một mình nuôi 3 cô con gái khôn lớn và thành tài.
Vào năm 2003, người phụ nữ này phát hiện mình mắc ung thư đại trực tràng khi đi khám sức khỏe định kỳ. Không để tế bào ung thư đe dọa đến cuộc sống của mình, bà Nghiêm chủ động thăm khám theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời giữ một tinh thần tích cực. Chính nhờ điều này, ca phẫu thuật của cụ bà ở tuổi 97 đã diễn ra thành công.
Chưa đầy 1 tuần sau ca phẫu thuật, bà Nghiêm đã trở về nhà. Trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 98 của mình, bà vẫn đi giày cao gót và nhảy những điệu khiêu vũ.
Hiếm có người sống thọ đến độ tuổi này mà giữ được tinh thần như vậy nên Nghiêm Ấu Vấn trở thành chủ đề quan tâm của truyền thông Trung Quốc, đặc biệt về bí quyết sống thọ. Mỗi khi được hỏi làm thế nào để kéo dài tuổi thọ, cụ bà này đều trả lời: “Tôi không tập thể dục, không ăn kiêng, thậm chí còn thích ăn thịt mỡ và bơ. Song tâm lý lạc quan, không thích nhắc lại chuyện quá khứ, kể cả những thời điểm khó khăn nhất chính là ‘chìa khoá’ để sống thọ”.
Viết trong cuốn tự truyện của mình, Nghiêm Ấu Triệu giãi bày: “Khi mọi người hỏi hôm nay bạn thế nào. Tôi luôn trả nào, ngày nào cũng là ngày tốt lành”.
Mối liên hệ giữa sống thọ và tinh thần lạc quan
Kết luận được Live Science dẫn lại từ một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người lạc quan có xu hướng sống lâu hơn những người có cái nhìn ảm đạm về thế giới và cuộc sống.
Theo đó nghiên cứu này có sự tham gia của 69.000 nữ từ 58 - 86 tuổi và hơn 1.400 nam từ 41 - 90 tuổi, được theo dõi trong 10 - 30 năm. Kết quả cho thấy những người tham gia báo cáo mức độ lạc quan cao nhất có tỷ lệ sống trên 85 tuổi cao hơn từ 50 - 70% so với những người báo cáo mức độ lạc quan thấp nhất. Thêm nữa, những người lạc quan nhất có tuổi thọ trung bình dài hơn khoảng 11 - 15% so với những người kém lạc quan nhất.
Theo các nhà khoa học, kết quả này càng khẳng định rằng với các yếu tố tâm lý nhất định có thể dự đoán được tuổi thọ. Trước đây, một số nghiên cứu từng phát hiện những người lạc quan hơn có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính thấp hơn và nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.
Các chuyên gia cho biết tinh thần tích cực không đồng nghĩa với phớt lờ các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi điều tiêu cực xảy ra, những người lạc quan ít khi tự trách bản thân. Họ thường cho rằng trở ngại này chỉ ra tạm thời. Họ tin mình có quyền kiểm soát số phận, tạo ra những cơ hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu, những người sống lạc quan, tích cực có khả năng đương đầu tốt hơn với áp lực, điều này có thể làm giảm những tác động xấu đối với sức khỏe thể chất của họ.
Những người này cũng có khả năng đặt mục tiêu tốt hơn cho bản thân với niềm tin rằng họ có thể đạt được những mục tiêu hợp lý mà mình xác lập ra. Thái độ sống tích cực cũng khiến họ luyện tập đều đặn, ăn uống lành mạnh và có sức khỏe tốt hơn về lâu dài.
Để học cách sống lạc quan, tích cực hơn, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận với bộ môn thiền, các liệu pháp nhận thức - hành vi mà giới tâm lý học vẫn thường sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân. Việc viết lách có thể khuyến khích con người có thêm những cách tiếp cận tích cực đối với cuộc sống.