Nhớ ngày nào, nhan sắc của Park Bom luôn được báo chí khen ngợi không ngớt lời, nhất là thời điểm cô phát hành single solo đầu tay You And I (2009). Tuy nhiên, trong vài năm sau đó, hình tượng của Park Bom luôn gắn liền với những biệt danh như "thảm họa dao kéo", được dân tình cho là do biến chứng của việc phẫu thuật thẩm mỹ quá đà.
Park Bom ở thời điểm nhuận sắc với khuôn mặt baby, xinh đẹp.
Ở thời điểm hiện tại, khuôn mặt Park Bom đã phá nét hoàn toàn, có hiện tượng bị biến dạng, sưng phù.
Năm 2014, trên chương trình "2NE1TV", Park Bom cho biết cô mắc bệnh sưng hạch bạch huyết. Chính căn bệnh này là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng phù, biến dạng trên gương mặt nữ ca sĩ chứ không phải biến chứng vì phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau đó, vào chiều ngày 26/4/2018, Park Bom còn chia sẻ về scandal dùng chất cấm gây chấn động châu Á rằng: "Tôi có một căn bệnh, đó là ADD (Attention Deficit Disorder - Rối loạn thiếu chú ý). Tôi đã phải dùng thuốc điều trị từ thời học trung học và cấp 3. Đây là căn bệnh không phổ biến tại Hàn Quốc, có tính chất tương tự nhưng không có các triệu chứng tăng động như ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - Rối loạn tăng động giảm chú ý). Edison, ông hoàng của những phát minh, cũng đã mắc phải căn bệnh này. Tên của chứng rối loạn này gần đây mới được biết tới. Nhưng vì không có bất cứ loại thuốc cụ thể nào cho ADD nên tôi đã phải dùng thuốc điều trị bệnh ADHD thay thế. Vì đây không phải là loại thuốc cho đúng căn bệnh của tôi nên người bệnh như tôi rất khó chịu đựng".
Việc mang trong mình nhiều căn bệnh cùng lúc như vậy khiến cơ thể Park Bom ngày càng phát tướng. Cô bị stress nhiều và không thể kiểm soát cân nặng của mình, dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì. Mới đây, trong lễ trao giải Grand Bell Awards diễn ra vào ngày 3/6, Park Bom trở thành nhân vật gây chú ý khi xuất hiện với gương mặt biến dạng, sưng phồng đến chẳng ai nhận ra.
Bệnh tật đầy người chính là nguyên nhân lý giải vì sao ngoại hình của Park Bom ngày càng khác lạ. Chắc chắn, bất kỳ netizen nào khi biết được tình trạng bệnh mà Park Bom đang gặp phải cũng sẽ cảm thấy xót xa.
Sưng hạch bạch huyết là tình trạng như thế nào?
Hình ảnh sưng hạch bạch huyết của Park Bom xuất hiện khi cô đang biểu diễn cùng 2NE1 trên sân khấu "Yoo Hee Yeol's Sketchbook" vào năm 2014 khiến nhiều người hâm mộ không khỏi lo lắng. Từ hình chụp màn hình, có thể thấy hạch bạch huyết ở cổ của Park Bom bị sưng nổi cục rõ rệt.
Hạch bạch huyết (hay hạch lympho) là một trong vô số các cấu trúc trơn, hình bầu dục dẹp, rải rác dọc theo các mạch bạch huyết, là một phần của hệ bạch huyết. Hạch bạch huyết có mặt ở khắp cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở các vùng như cổ, nách, bẹn.
Hạch bạch huyết có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ miễn dịch bởi chúng chứa các tế bào bạch huyết, có chức năng làm bộ lọc, giữ lại các phần tử ngoại lai, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ này, nó có thể bị sưng, viêm, trường hợp sưng ở cổ như Park Bom có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc viêm họng, bên cạnh đó cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề bất ổn khác.
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến hạch bạch huyết bị sưng, mỗi nguyên nhân đều cảnh báo một vấn đề mà cơ thể đang gặp phải, cụ thể như:
- Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, kí sinh trùng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến hạch bạch huyết bị sưng, thường xảy ra do virus, vi khuẩn, kí sinh trùng, nấm... Một số căn bệnh nhiễm trùng do virus dẫn đến tình trạng sưng hạch bạch huyết như viêm họng, sởi, trái rạ, cảm lạnh do virus, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, nhiễm virus adenovirus, nhiễm siêu vi Herpes...
- Tình trạng sưng viêm: Một số căn bệnh gây sưng viêm như thấp khớp, lupus ban đỏ hệ thống, dị ứng với thuốc... cũng làm hạch bạch huyết bị sưng.
- Ung thư: Một số căn bệnh ung thư có liên quan đến các hạch này hay các tế bào màu cũng làm hạch bạch huyết sưng, cụ thể như ung thư hạch bạch huyết, bệnh bạch cầu ác tính, ung thư di căn...
- Một số nguyên nhân khác như bệnh rối loạn chuyển hóa lipid di truyền, tình trạng miễn dịch khi cấy ghép, bệnh sarcoidosis... cũng có thể dẫn đến tình trạng trên.
Như vậy, sưng hạch bạch huyết có thể cảnh báo nhiều vấn đề về sức khoẻ từ nhẹ đến nặng. Nhưng dù thế nào thì cũng không thể coi thường và bỏ qua bởi nó có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điểm khác biệt giữa bệnh ADD và ADHD là gì?
Park Bom chia sẻ cô mắc bệnh ADD (Attention Deficit Disorder - Rối loạn thiếu chú ý) nhưng vì đây là căn bệnh không phổ biến ở Hàn Quốc nên không có thuốc điều trị tận gốc. Do đó, cô đã phải tìm mua thuốc điều trị ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - Rối loạn tăng động giảm chú ý) có tính chất tương tự để thay thế. Park Bom đã sử dụng loại thuốc này từ khi còn học trung học và cô phải chịu đựng sự rối loạn từ bên trong cơ thể. Cũng chính căn bệnh này là nguyên nhân khiến thân hình Park Bom trở nên phát tướng.
ADD là một loại của bệnh ADHD nhưng không có các triệu chứng của tăng động như luôn đi lại, di chuyển và hay bồn chồn. Ranh giới của sự khác biệt giữa hai loại bệnh này đều rất mong manh nên các bác sĩ khi chẩn đoán thường dễ nhầm lẫn.
*Các triệu chứng của bệnh rối loạn thiếu chú ý (ADD):
- Gặp khó khăn, rắc rối khi chú ý.
- Không thích hoặc lảng tránh những công việc đòi hỏi sự tập trung tinh thần trong thời gian dài.
- Hoạt động không có tổ chức và hay quên.
- Không có vẻ muốn lắng nghe khi trực tiếp nói chuyện với người khác.
- Không chú ý đến chi tiết.
- Thường xuyên thua trong việc tranh luận với bạn bè.
- Dễ gây ra những sai lầm bất cẩn.
- Không làm theo hướng dẫn.
ADD thường được chẩn đoán nếu trẻ dưới 16 tuổi có đủ 6 triệu chứng không chú ý (5 hoặc nhiều hơn đối với thanh thiếu niên) và xảy ra trong ít nhất 6 tháng liên tục nhưng không có dấu hiệu hiếu động thái quá.
Source (Nguồn): Koreaboo, WebMD