Tiểu đường được chia làm 2 loại là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2 thì thường không có nhiều triệu chứng nhận biết. Còn bệnh tiểu đường tuýp 1 thì có những triệu chứng phổ biến như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều là chúng ta có thể phát hiện được ngay.
Cũng từ những yếu tố này, bạn nên chủ động đi xét nghiệm định kỳ để tầm soát nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 từ sớm. Bởi đa phần người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường rất chủ quan và khi đã phát hiện bệnh thì bệnh đã diễn tiến nặng, có nhiều biến chứng khó chữa trị.
Các triệu chứng tiểu đường tuýp 2 mà thanh niên hay chủ quan bỏ qua
Các triệu chứng tiểu đường mà thanh niên hay chủ quan bỏ qua
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Vũ Bích Nga (Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp của Bệnh viện Đại học Y) cho rằng: "Để nhận biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là rất khó, dù vậy bạn vẫn có thể chú ý đến các biến chứng của bệnh gây ra cho tim mạch, thận hay là mắt. Do đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể kể đến:
- Gia đình có tiền sử bị tiểu đường.
- Có tiền sử đẻ con to trên 4kg hoặc có tiền sử tiểu đường thai kỳ.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp.
- Người ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá nhiều.
Nếu có các yếu tố nguy cơ kể trên thì người bệnh nên chú ý đi kiểm tra định kỳ đường máu để xét nghiệm xem mình có bị tiểu đường hay không".
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tới cuộc sống người bệnh là gì?
Tùy vào từng biến chứng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí còn gây tử vong nếu không phát hiện ra bệnh sớm. Có thể kể đến những ảnh hưởng như:
- Tổn thương đáy mắt, gây giảm thị lực.
- Bị nhồi máu cơ tim.
- Tổn thương ở bàn chân, phải cắt cụt chi.
- Bị suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Bên cạnh đó, những biến chứng cấp tính còn có thể làm bệnh nhân tử vong, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nhưng nếu người bệnh được điều trị tốt, biết cách sống chung với bệnh tiểu đường thì cơ bản vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Đồng thời, người bệnh cũng cần kết hợp với 3 phương pháp là chế độ ăn, luyện tập và thuốc theo chuyên khoa, đặc biệt phải đi khám định kỳ theo hướng dẫn của các bác sĩ thì sẽ sống vui, sống khỏe với căn bệnh này.