Mới đây, bộ phim tài liệu về Celine Dion, nữ ca sĩ nổi tiếng khắp thế giới nhờ hát ca khúc chủ đề My Heart Will Go On cho bộ phim Titanic, và cuộc chiến của cô với căn bệnh hiếm gặp đã được phát hành. Trong bộ phim tài liệu, Celine Dion lần đầu tiên tiết lộ thời điểm cô bắt đầu bị bệnh, điều này khiến người xem vô cùng đau lòng.
Vào tháng 12/2022, Celine Dion thông báo rằng cô được chẩn đoán mắc "Hội chứng người cứng". Để chống chọi với bệnh tật, cô kiên trì tập luyện năm ngày một tuần nhưng cơ thể vẫn không cải thiện nhiều. Vậy chính xác thì "Hội chứng người cứng" là gì?
Celine Dion đau đớn khi lên cơn co giật trong suốt 10 phút
Hội chứng người cứng là một bệnh tự miễn hiếm gặp của hệ thần kinh trung ương.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, sẽ có cảm giác đau nhức kịch phát ở cơ bụng và thân, đồng thời có cảm giác cơ "căng cứng". Khi bệnh tiến triển, các cơ ở thân, tứ chi và cổ sẽ tiếp tục cứng đơ và cứng như đá. Đây cũng là nguồn gốc của cái tên "hội chứng người cứng".
Do co cơ quá mức, sẽ gây ra co thắt cơ và đau co thắt. Đặc biệt khi tâm trạng thay đổi nghiêm trọng, tình trạng co thắt và đau cơ sẽ rõ ràng hơn, trường hợp nghiêm trọng có thể gây rách cơ và gãy xương.
Celine Dion từng chia sẻ về sự khởi phát của hội chứng người cứng trong một cuộc phỏng vấn. "Các cơn co thắt có xu hướng bắt đầu ở cổ họng của tôi, nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở bụng, cột sống và xương sườn. Tôi thích nấu ăn và khi tôi cố gắng giữ tay ở một vị trí nhất định trong khi nấu, tôi không chỉ bị chuột rút mà còn bị cơn đau nghiêm trọng đến mức có khi gãy cả xương sườn dày vò".
Cô cũng cho biết rất khó để cô có thể hát trôi chảy: "Khi tôi muốn hát, tôi có cảm giác như có ai đó bóp cổ họng mình. Tôi không thể hát cao hay thấp, điều đó chỉ khiến tôi bị chuột rút".
Su Chunhe, Phó trưởng Khoa Thần kinh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và giảng dạy thần kinh học của Bệnh viện liên kết thứ hai Đại học Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết: "Khó thở và khó nuốt cũng là một trong những triệu chứng của hội chứng người cứng, vì hội chứng người cứng có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp của con người sẽ khiến con người cảm thấy hụt hơi".
Hội chứng người cứng cực kỳ hiếm gặp, tỷ lệ mắc chỉ 1/1 triệu người, chủ yếu xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 50, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 2 đến 3 lần so với nam giới. Theo bác sĩ Su Chunhe, trong nhiều năm hành nghề y, bà chỉ tiếp xúc với một bệnh nhân mắc hội chứng người cứng.
Để chống chọi với bệnh tật, cô kiên trì tập luyện năm ngày một tuần nhưng cơ thể vẫn không cải thiện nhiều
Không có thuốc đặc trị và không thể phòng ngừa
Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cho hội chứng người cứng và không thể chữa khỏi hoặc phòng ngừa.
Và vì hiếm gặp nên hội chứng người cứng thường khó chẩn đoán sớm và dễ bị nhầm lẫn với bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), chứng đau cơ thần kinh, uốn ván, hội chứng Parkinson...
"Sự khác biệt giữa hội chứng người cứng và ALS là các triệu chứng chính của hội chứng người cứng là cứng cơ và co thắt, trong khi triệu chứng chính của ALS là yếu cơ và teo cơ", bác sĩ Su Chunhe giải thích thêm.
Các triệu chứng điển hình của bệnh uốn ván cũng là co thắt cơ dữ dội, có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút mỗi lần. Tuy nhiên, uốn ván có thể được xác định bằng việc có tiền sử chấn thương hay không.
Bác sĩ nhắc nhở nếu chân và thân cứng và không thể đi lại, sau khi loại trừ viêm cột sống dính khớp và các nguyên nhân khác, bạn nên đến khoa thần kinh để khám và điều trị sớm bởi có thể bạn đã gặp phải hội chứng người cứng.
Nguồn và ảnh: QQ