Bác sĩ chuyên khoa gan Yang Lihua tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết: “Một lá gan khỏe mạnh sẽ đảm bảo các năng nội tiết và ngoại tiết như chống độc, giải độc, chuyển hóa, dự trữ (máu, glucid, vitamin) và tạo mật… Ngược lại, khi gan suy yếu hay mắc bệnh, các chức năng này bị rối loạn dẫn tới nhiều bất thường từ trong ra ngoài cơ thể”.
Vì vậy, không ít dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của gan có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hãy tự kiểm tra bàn tay của mình, nếu trên tay không có 5 điểm bất thường dưới đây chứng tỏ bạn may mắn sở hữu lá gan khỏe mạnh:
1. Lòng bàn tay mẩn đỏ
Với người có gan khỏe mạnh, lòng bàn tay sẽ có màu trắng hồng hoặc hồng nhạt. Còn nếu lòng bàn tay chuyển sang màu đỏ bất thường, có các nốt mẩn màu đỏ rõ rệt thì tốt nhất nên đi khám gan. Dấu hiệu này thường gặp ở người xơ gan, viêm gan hoặc gan nhiễm mỡ nặng.
(Ảnh minh họa)
Bởi vì khi gan bị tổn thương làm suy giảm chức năng gan, những mạch ở bàn tay người bệnh có xu hướng giãn nở nhiều hơn và dẫn đến ửng đỏ lòng bàn tay. Đồng thời, khả năng vô hiệu hóa estrogen cũng giảm khiến các mao mạch bị vỡ và chảy máu, lâu dần khiến lòng bàn tay đỏ bừng.
Đặc điểm của lòng bàn tay mẩn đỏ do bệnh gan thường đỏ nhiều ở trung tâm lòng bàn tay. Một số người có thể bị nốt đỏ tròn, nhỏ hoặc các vệt đỏ như mạng nhện. Da tay ấm hơn, đổ nhiều mồ hôi hơn, không đau và khi nhấn xuống vết đỏ biến mất nhưng thả ra thì xuất hiện lại.
2. Ngứa da tay dai dẳng
Ngứa da được xem là một trong những triệu chứng đặc hiệu ở những người mắc bệnh về gan, nhất là ung thư gan và xơ gan. Sự suy giảm chức năng gan cũng có thể dẫn tới ngứa da bàn tay khó hiểu.
Bởi khả năng lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể từ thức ăn và nước uống luôn được duy trì liên tục nhờ gan. Nhưng khi cơ thể tiếp nhận quá nhiều loại độc tố có thể khiến gan bị quá tải gây ra tổn thương và làm suy giảm chức năng gan. Những chất độc tồn dư trong cơ thể lâu ngày sẽ gây ra sẩn ngứa, mề đay.
Điểm khác biệt của ngứa da do bệnh gan là đi kèm vàng da, ngứa dai dẳng và có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ, không thuyên giảm khi dùng thuốc ngoài da. Cảm giác ngứa tăng lên khi nhiệt độ môi trường sụt giảm đột ngột như gặp mưa, trời nhiều gió.
3. Móng tay có hình dáng, màu sắc hoặc sọc khác lạ
Ở người khỏe mạnh, móng tay sẽ có màu hồng nhạt. Móng ngày càng nhạt, thậm chí trắng bệch (hiện tượng "móng tay Terry") thì có thể do xơ gan. Móng tay ngày càng vàng có thể là do viêm gan, làm rối loạn chuyển hóa bilirubin. Ngoài ra, các sọc ngang hoặc dọc trên móng tay cũng có thể là cảnh báo suy gan, xơ gan. Dẫn tới chức năng thải độc và điều tiết bị rối loạn.
Bên cạnh đó, nếu hình dáng móng tay đột nhiên thay đổi bạn cũng nên cẩn trọng với bệnh gan. Nhất là ngón tay dùi trống và móng tay hình thìa. Ngón tay dùi trống khiến phần đầu ngón tay tăng kích thước, móng cong lên và trở nên mềm hơn. Tình trạng này thường gặp ở giai đoạn bệnh gan nghiêm trọng, phổ biến nhất là xơ gan mãn tính hoặc ung thư gan (thường do rượu bia). Ngoài ra có thể do mắc bệnh lý tim, phổi.
(Ảnh minh họa)
Còn móng tay hình thìa (koilonychia) với móng mềm hơn bình thường, hình dạng bị lõm xuống trông giống như cái thìa. Chỗ lõm thường đủ lớn để chứa một giọt nước. Đây là dấu hiệu của bệnh huyết sắc tố, một chứng rối loạn gan nghiêm trọng gây ra tình trạng hấp thụ sắt dư thừa từ thức ăn.
4. Run tay khó hiểu
Nếu đột nhiên bị run tay mà không rõ lý do, nhất là run tay khi còn trẻ tuổi, run tay lặp lại thường xuyên thì đừng chủ quan với bệnh gan. Đây thực chất là những cơn co thắt được y học gọi là hội chứng não gan (asterixis) - một triệu chứng thần kinh của bệnh gan mãn tính gây run tay.
Dấu hiệu này thường gặp nhất ở bệnh nhân bệnh xơ gan. Lâm sàng cho thấy có tới 70% người bị xơ gan có hội chứng não gan. Lý do là gan không thể lọc khiến độc tố ở trong máu và di chuyển đến não. Từ đó làm suy giảm chức năng não và gây ra các vấn đề kiểm soát vận động thần kinh ở bàn tay và cổ tay. Run tay do bệnh gan thường kèm ngứa da, vàng da, lòng bàn tay mẩn đỏ.
5. Nổi gân tay bất thường
Gân tay là cách gọi thường ngày của các tĩnh mạch nông nằm dưới da tay. Chúng thường có màu xanh nhạt, ẩn dưới lớp da hoặc chỉ hơi nhô lên một chút trong trạng thái thả lỏng. Ở nam giới, nhất là những người tập luyện thể dục thể thao, làm công việc nặng nhọc thì gân này có thể lộ rõ hơn.
Nhưng nếu thấy các gân này đột nhiên có những thay đổi như màu càng ngày càng đậm, kích thước trở lên lớn hơn rõ rệt, nổi rõ hơn trên da tay nhiều so với trước thì nên đi khám sức khỏe. Nhất là khám gan, thận.
(Ảnh minh họa)
Do hoạt động chuyển hóa của gan gặp vấn đề, khiến mạch máu trên tay bị bất thường. Trạng thái này thường liên quan tới bệnh xơ gan hoặc viêm gan nhiều nhất. Ngoài ra, Đông y cho rằng nóng gan có thể gây sưng tấy mạch máu, khiến gân tay nổi rõ và có màu đậm hơn.
Tuy nhiên, các bất thường kể trên cũng có thể là do bệnh lý khác. Còn có nhiều dấu hiệu cảnh báo bệnh gan khác như vàng da, cơn đau vùng bụng trên, nước tiểu thay đổi, chán ăn hay sụt cân... Vì vậy tốt nhất là nên thăm khám định kỳ và đi khám ngay nếu trên tay có các bất thường nghi ngờ là do suy giảm chức năng gan.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor