Mới đây, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Quân đội 108 đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ (27 tuổi) ở Vĩnh Phúc bị đột quỵ sau khi tắm. Được biết, bệnh nhân đã vào phòng tắm lúc 22 giờ và sau đó bị đau đầu dữ dội đến nỗi cô phải ôm đầu trấn tĩnh. Cơn đau ngày càng dữ dội hơn nhưng cô không bị liệt người, vẫn nhận biết được mọi thứ xung quanh.
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến (Giám đốc Trung tâm Đột quỵ) cho biết, ông đã chỉ định chụp MRI cho bệnh nhân này và kết quả bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, chảy máu dưới nhện. Các bác sĩ sau đó đã nút khối dị dạng thành công nên bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Bệnh nhân này có tiền sử dị dạng mạch máu não bẩm sinh nên thói quen tắm đêm đã tạo cơ hội phát bệnh. Bác sĩ Tuyến nói: "Khi tắm đêm, huyết áp thay đổi đột ngột, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Nhiệt độ cơ thể cũng thay đổi, tạo áp lực gây vỡ động mạch hoặc các mao mạch".
Từ trường hợp của cô gái này, nếu bạn hay người thân cũng thường có thói quen tắm muộn thì nên sửa bỏ ngay. Bởi trong vài năm trở lại đây, các trường hợp tử vong do đột tử sau khi tắm đêm được cảnh báo rất nhiều trên mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn chủ quan coi thường.
Những trường hợp dễ gây nguy hiểm nghiêm trọng khi tắm đêm
Càng về tối muộn, nhiệt độ và không khí bên ngoài sẽ càng giảm xuống thấp nên các chuyên gia thường khuyên bạn không nên đi tắm sau 22 giờ. Đặc biệt, bạn cũng cần lưu ý không tắm đêm trong những trường hợp sau để phòng tránh nhiều biến chứng nguy hại:
1. Sau khi vận động mạnh hoặc tập luyện cường độ cao: Do lúc này, cơ thể đang ra nhiều mồ hôi nên có thể gây choáng váng, thiếu máu não, thậm chí còn dẫn đến tình trạng đau tim, ngất xỉu... Vì vậy, lúc này thì bạn chỉ nên lau khô người và ngồi nghỉ cho thân nhiệt dần ổn định trở lại.
2. Sau khi uống rượu bia, trong người đang có men cồn, chất kích thích: Rượu có thể gây ức chế hoạt động của chức năng gan, đồng thời ngăn cản quá trình giải phóng glycogen. Nếu tắm lúc này sẽ dẫn đến trường hợp hoa mắt, chóng mặt, toàn thân bủn rủn, hạ đường huyết, nặng hơn còn gây hôn mê sâu.
3. Khi cơ thể quá mệt mỏi, vừa trải qua một cơn ốm nặng: Người ốm thường có thân nhiệt cao hơn bình thường. Việc đi tắm vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đột tử rất cao.
4. Khi đang trong kỳ "đèn đỏ": Vào thời điểm này, khí huyết nữ giới đang không ổn định, việc tắm gội về đêm dễ làm cơ thể bị nhiễm lạnh và làm triệu chứng đau bụng càng thêm trầm trọng.
5. Khi đang mang thai: Người đang mang bầu tuyệt đối không nên tắm đêm vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe của thai nhi đang ở trong bụng.
Một vài hậu quả tai hại khi thường xuyên đi tắm vào ban đêm
- Gây đột quỵ, đột tử giữa đêm: Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Do người già có đặc điểm sinh lý như mạch máu co thắt, lòng mạch máu bị vôi hóa, xơ vữa và máu cô đặc hơn người trẻ nên dễ mắc bệnh về huyết áp, tim mạch. Dù vậy, tình trạng đột tử do tắm vào ban đêm cũng ngày càng xảy ra ở nhiều người trẻ. Nguyên nhân là vì người trẻ thường chủ quan coi thường hoặc có sẵn một số bệnh lý nền trong cơ thể nên việc tắm đêm đã tạo cơ hội phát triển bệnh.
- Gây ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu: Cơ thể chúng ta thường duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C, nhưng càng về đêm, nhiệt độ không khí sẽ càng giảm xuống thấp và làm nhiệt độ nước giảm theo. Lúc này, nếu bạn tắm bằng nước lạnh thì dễ gây ra hiện tượng co thắt mạch máu, từ đó làm cản trở quá trình máu lưu thông và dẫn đến những bệnh như đau vai gáy, đau đầu... về lâu dài sẽ trở thành bệnh kinh niên khó chữa khỏi.
- Gây nhiễm lạnh vùng phổi: Phổi vốn là một cơ quan khá nhạy cảm trong cơ thể nên việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe vùng phổi là điều vô cùng cần thiết. Với những người hay có thói quen tắm về đêm thì phổi chính là cơ quan phải chịu tổn thương đầu tiên do bị nhiễm lạnh bởi nhiệt độ nước thấp. Khi phổi đã bị suy yếu thì cơ thể con người sẽ dễ mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm phổi, phổi tắc nghẽn...
- Gây cảm lạnh, sốt cao: Trong những ngày cơ thể mệt mỏi, suy nhược thì bạn tuyệt đối không nên tắm đêm. Do lúc này, sức đề kháng của cơ thể đang rất yếu nên dễ gây ra các triệu chứng như ho, cảm cúm, sổ mũi, trúng gió, sốt cao...
- Gây ra các bệnh về khớp: Vùng cơ khớp của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bạn thường xuyên đi tắm vào buổi đêm. Lúc này, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải những bệnh về khớp như thấp khớp, viêm xương khớp... Nguyên nhân gây ra là do sự phản ứng giữa nhiệt độ nước với cơ thể vào ban đêm. Vì vậy, bạn cần chú ý từ bỏ ngay thói quen tắm đêm để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng.
Nên tắm trong những khoảng thời gian nào để bảo vệ sức khỏe tốt nhất?
Các chuyên gia cho biết, vào mùa hè thì tuyệt đối không nên tắm sau 10 giờ đêm và nên tắm bằng nước mát, dung hòa giữa nóng và lạnh đan xen. Còn mùa đông thì nên tắm bằng nước ấm và tuyệt đối không tắm sau 7 giờ tối. Do mùa đông có thời tiết lạnh giá nên mỗi nhà hãy trang bị một chiếc đèn sưởi trong phòng tắm và bật lên khi tắm. Sau khi tắm xong thì nên mặc quần áo vào ngay chứ không nên chạy ra ngoài để tránh làm ảnh hưởng sức khỏe.
Trong trường hợp về muộn thì chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, dùng khăn lau người chứ không nên đi tắm hoặc ngâm bồn khi đã quá muộn.
Nguồn tổng hợp: Health, Prevention, Sohu, Steemit