Làm thế nào tránh "đèn đỏ" dịp Tết? BS tiết lộ cách trì hoãn kinh nguyệt siêu dễ nhưng cảnh báo một điều

Mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt, Mến bị đau bụng quằn quại, không dám đi đâu. Năm nay, “ngày đèn đỏ” dự kiến sẽ rơi vào đúng mùng 1 Tết, cô muốn trì hoãn lại để được đi chơi với bạn. 
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung

Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Nơi công tác: Viện Sức khỏe sinh sản

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Nguyễn Thị Mến (25 tuổi), quê Nghệ An, đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Cô cho biết chu kỳ kinh nguyệt của mình đều, kéo dài khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên, mỗi lần đến ngày này, Mến bị đau bụng quằn quại, khó chịu, rất mệt mỏi khi làm việc và đi xa.

Nếu tính theo chu kỳ kinh, “ngày đèn đỏ” của cô sẽ rơi vào đúng mùng 1 Tết Nguyên đán. Ở đất khách quê người, Tết là dịp Mến được nghỉ việc, nên tranh thủ đi chơi, gặp gỡ bạn bè và những người Việt đang sinh sống làm việc ở Nhật Bản như mình. “Tôi và nhóm bạn hẹn gặp nhau vào ngày mùng 1 Tết, lịch trình đã lên sẵn hết rồi. Nếu "bị" ngày đó, tôi sẽ rất đau bụng, không thể đi đâu được. Ăn Tết xa quê mà phải ở nhà một mình sẽ rất cô đơn và buồn”, Mến chia sẻ.

Mới đây, cô gái 25 tuổi chia sẻ câu chuyện của mình lên một hội nhóm có nhiều phụ nữ tham gia và đặt câu hỏi làm cách nào để có thể trì hoãn được chu kỳ kinh nguyệt của mình sớm hơn?

Nhiều ý kiến cho rằng có chu kỳ kinh nguyệt đều là một điều rất tốt với phụ nữ, nếu can thiệp để nó xảy ra sớm hoặc trễ hơn sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Bên cạnh đó, nhiều chị em bày cho Mến làm cho “ngày đèn đỏ” trễ hơn bằng cách uống thuốc tránh thai, uống nước dừa, thuốc chống say tàu xe và các loại thuốc về hormone giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt… “Làm kỳ kinh đến sớm hơn thì tôi chưa biết, nhưng muốn làm cho nó trễ hơn thì dễ lắm”, một người để lại bình luận.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Viện sức khỏe sinh sản (Hà Nội), cho biết để chu kỳ kinh nguyệt của một người nào đó đến sớm hơn rất khó và chưa có cách làm nào khoa học. Tuy nhiên, các chị em có thể trì hoãn chu kỳ của mình. Việc này, hiện có nhiều chị em làm và đang muốn làm. Với các cách như uống thuốc chống say tàu xe, các loại thuốc về hormone hay uống nước dừa… sẽ không “ăn thua”, có khi lại phản tác dụng. “Cách trì hoãn chu kỳ kinh hiệu quả nhất chị em có thể làm là uống thuốc tránh thai”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung đang khám bệnh cho một nữ bệnh nhân.

Theo bác sĩ Dung, thuốc tránh thai có chứa estrogen, không chỉ giúp các chị em ngừa thai mà còn giúp trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt. Nếu muốn chậm kinh, các chị em nên uống thuốc trước khi có kinh ít nhất 3-7 ngày, uống mỗi ngày 1 viên và uống vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày. Trường hợp quên thì cần uống bù ngay khi nhớ ra.

Bác sĩ Dung lưu ý, khi uống thuốc tránh thai sẽ có tác dụng phụ như: Buồn nôn, nhức đầu, lên cân nhẹ, căng ngực, thay đổi tâm tính, có thể ra huyết âm đạo ít ở giữa thời điểm uống thuốc. Vì vậy, khi uống thuốc này để dời ngày kinh, các chị em nên đọc kỹ và không uống chung các loại thuốc sau: thuốc chống co giật, barbiturate, tetracycline, rifampicin, than hoạt, một số thuốc nhuận tràng, các thuốc trị đái tháo đường vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.

Với những phụ nữ bị bệnh suy gan, xuất huyết âm đạo chưa xác định nguyên nhân, bệnh tăng lipoprotein huyết, thiếu máu hình cầu liềm, thiếu máu tán huyết mãn tính, bệnh huyết khối động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, tăng huyết áp độ II - III, bệnh Lupus ban đỏ, bệnh ung thư vú, tăng sản nội mạc tử cung thì tuyệt đối không được sử dụng thuốc.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, hiện có rất nhiều cách giúp các chị em sạch sẽ trong những ngày “đèn đỏ”, vì vậy, nếu có thể chúng ta hãy để nó diễn ra tự nhiên. Việc trì hoãn chỉ nên làm trong trường hợp đặc biệt và phải tuyệt đối an toàn. Nếu vì một lý do nào đó, các chị em trì hoãn chu kỳ kinh sẽ không tốt, có khi lại bị tác dụng phụ, hoặc sau đó sẽ kéo theo việc rối loạn chu kỳ kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nữ diễn viên phim nóng làm gì khi đến kỳ kinh nguyệt nhưng vẫn phải