Viêm họng là trầy xước, đau cổ họng, thường trở nên khó chịu hơn khi bạn nuốt thức ăn. Nguyên nhân phổ biến của viêm họng là nhiễm virus, ví dụ như bị cảm lạnh hoặc cúm. Bình thường thì viêm họng sẽ tự khỏi sau một thời gian.
Nhưng nếu trong khoảng thời gian này, ta không cẩn thận, viêm họng sẽ khó được điều trị dứt điểm, kéo dài không thôi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Khi bị viêm họng, không nên làm những điều gì?
1. Hút thuốc, uống rượu
Thuốc lá và rượu là điều cấm kỵ đối với những người bị viêm họng bởi vì hai thứ này đều có tính kích thích mạnh và rất nóng. Trong quá trình đi vào trong cơ thể, chúng sẽ kích thích cổ họng, dẫn đến viêm họng hay làm nặng thêm tình trạng này.
Ngoài ra, thuốc lá và rượu làm hỏng nhiều các cơ quan nội tạng như phổi, thận, gây những bệnh nguy hiểm chết người. Bởi vậy, không chỉ những người bị viêm họng, những người khỏe mạnh cũng hạn chế hoặc không nên hút thuốc hay uống rượu.
2. Ăn uống đồ cay
Bản thân những người bị viêm họng, cổ họng rất mẫn cảm, đối với những thực phẩm có tính kích thích mạnh thường khó có thể dung nạp. Vì vậy, những thực phẩm cay, nóng như ớt, hành tây, gừng, tỏi,… người bị viêm họng nên tránh xa để tránh làm tổn thương niêm mạc họng, tăng sự viêm.
3. Ăn thực phẩm quá nóng
Thực phẩm nóng rất tốt trong việc giữ ấm cơ thể nhưng những thực phẩm quá nóng có tác dụng kích thích rất lớn đến niêm mạc họng. Về lâu về dài sẽ làm tổn thương đến họng, làm trầm trọng thêm chứng viêm. Do đó, những người bị viêm họng nên ăn thức ăn ấm để bảo vệ sức khỏe họng.
4. Ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều là một cách ăn trái khoa học, là thói quen xấu cần phải bỏ. Thói quen này làm tăng gánh nặng đường tiêu hóa, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, gây viêm họng.
Đặc biệt, ăn quá nhiều có thể gây nên viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài các triệu chứng thông thường của viêm họng như khô, đau, ngứa họng, bệnh này còn kèm theo các triệu chứng như nóng rát ở ngực, cồn cào ruột gan, ăn không tiêu, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn…
5. Nói, hát quá nhiều
Người bị viêm họng nên chú ý đến việc sử dụng họng, trong đó có cả nói chuyện hay ca hát. Nói nhiều, hát nhiều cũng có thể gây viêm họng. Đồng thời phải chú ý đến việc chăm sóc họng, nghỉ ngơi đúng giờ, uống nhiều nước, hạn chế hít thở không khí bụi bặm để làm dịu và ngăn ngừa cảm giác khó chịu ở cổ họng.
Nói chung, viêm họng cấp tính có thể thuyên giảm và được chữa khỏi hoàn toàn thông qua điều trị. Còn đối với viêm họng mãn tính, việc chữa trị cần có thời gian dài, khá khó khăn, đòi hỏi việc chăm sóc họng phải cẩn thận hơn nữa. Bệnh nhân có thể uống trà để giải nhiệt và giải độc như trà hoa cúc, trà kim ngân hoa…
Tóm lại, dù là viêm họng cấp tính hay mãn tính, việc chăm sóc họng nên được thực hiện thật tốt thông qua chế độ ăn uống nhẹ nhàng, đầy đủ; vận động hợp lý; thường xuyên vệ sinh răng miệng.
Nguồn: Aboluowang, Mayoclinic