Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong củ đậu có chứa 80-90% là nước, 2,4% tinh bột, 4,5% đường glucozơ và nhiều loại vitamin, muối khoáng cần thiết cho cơ thể như: Vitamin C, sắt, photpho… Vì vậy, củ đậu được nhiều người ưa thích trong mùa hè vì có tác dụng giúp thanh nhiệt, giải khát.
Hơn nữa, lượng nước dồi dào trong củ đậu còn giúp làn da thêm căng mướt, mịn màng, loại bỏ chất độc và giảm vết nhăn bằng cách đắp mặt nạ bằng những lát củ đậu thái mỏng.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàm lượng vitamin C và chất xơ trong củ đậu có thể giúp làm giảm giảm cholesterol trong máu. Do đó, ăn củ đậu thường xuyên có thể giúp nâng cao sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm.
Củ đậu đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu ăn đúng cách. Ảnh minh hoạ
Dưới góc độ Đông y, các thầy thuốc cũng ghi nhận củ đậu có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, sinh tân, giải độc nhất là giải độc rượu, trị chứng trường phong hạ huyết (đi ngoài ra máu), tác dụng nhuận tràng do nhiều chất xơ nên tốt cho tiêu hóa, giúp cho dạ dày co bóp tốt, lợi cho đại tiện.
Mặt khác, những người bị trĩ thường xuyên ăn củ đậu cũng giúp ổn định hệ tiêu hóa nhờ tính thanh nhiệt, giàu chất xơ.
Mặc dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, sử dụng củ đậu không đúng cách có thể đem lại những bất lợi cho sức khỏe.
Cụ thể, củ đậu tốt cho những người thừa cân, béo phì, nhưng không nên dùng loại thực phẩm này để ăn trừ bữa xem như một biện pháp giảm cân. Thực tế, nhiều người ăn vô tội vạ củ đậu để giảm cân khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải hơn.
Nguyên nhân là do củ đậu chứa nhiều nước nên khi ăn quá nhiều sẽ khiến dạ dày ngày một dãn ra. Khi dạ dày đã giãn ra thì dịch dạ dày sẽ tiết nhiều hơn, dạ dày cũng rỗng hơn, nhu cầu thèm ăn cao hơn.
Phần lá và hạt cây củ đậu không ăn được vì dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, nhiều người thấy củ đậu có chứa nhiều vitamin và chất xơ nên ăn quá nhiều với mục đích thay thế những loại thực phẩm khác. Điều này dễ khiến mất cân đối khẩu phần ăn gây thiếu dinh dưỡng cho cơ thể.
Lưu ý khi ăn củ đậu
Những người bị đau dạ dày chỉ nên ăn củ đậu ở mức vừa phải, ăn quá nhiều sẽ khiến bệnh dễ tái phát và làm cho cơ thể suy yếu.
Ngoài phần củ ăn được, lá và hạt của cây củ đậu có thể dùng làm thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, tuyệt đối không được ăn 2 bộ phận này bởi nó chứa chất tephrosin và rotenon. Chất này khi đi vào cơ thể có thể gây ngộ độc, thậm chí bị đau bụng dữ dội, co giật toàn thân, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp.
Cách chọn củ đậu ngon Về màu sắc: Chọn củ đậu còn tươi mới, phần cuống lá của củ đậu còn xanh, phần da có màu trắng ngà. Tuy nhiên, để trông củ đậu bắt mắt hơn, người bán thường cắt cuống và rửa củ trắng sạch nên cần quan sát kỹ để tránh mua phải củ đậu đã để lâu, không còn độ giòn, ngọt. Những củ đậu bị dập, có màu thâm xỉn, màu vàng sậm hay có vết ở phía ngoài thì không nên chọn vì có thể củ đã bị sâu hoặc hỏng ở phía bên trong, dù vỏ ngoài trông tương đối bình thường. Về hình dáng: Chú ý chọn củ căng đều cân đối, vỏ củ đậu nhẵn, mỏng, như vậy củ mới ngọt và thơm mát, nhiều nước. Những củ đậu vỏ thô sần thường là khô và kém ngọt. Khi chọn củ đậu, không quan trọng là chọn củ to hay nhỏ mà cần chọn củ có cuống nhỏ. Cuống càng nhỏ, củ đậu càng ít xơ, ăn ngon hơn. |