BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, cây ổi đã mọc hoang dại ở nhiều vùng rừng núi hoặc được đem trồng trong vườn, xung quanh nhà để lấy quả ăn. Trái ổi dùng để ăn hoặc chế biến thành các món bánh kẹo, mứt. Các bộ phận khác trên cây như: búp non, lá non, quả, vỏ ở thân cây hoặc rễ đều có công dụng chữa bệnh, dùng làm các vị thuốc lành tính, an toàn.
Ổi có tên gọi khác là phan thạch lựu, là ủi, mác ổi… và có tên khoa học là Psidium guajava L, thuộc họ: Sim Myrtaceae.
Theo bác sĩ Vũ, lá ổi rất giàu dinh dưỡng và các khoáng chất vi lượng tốt cho cơ thể. Trong lá ổi tươi có chứa nước, chất béo, protein, carbohydrate, axit ascorbic(Vitamin C), axit gallic.
Trong lá ổi có chứa các hợp chất flavonoid có hoạt tính kháng khuẩn mạnh. Quercetin là loại flavonoid chiếm ưu thế trong lá ổi, có hoạt tính chống tiêu chảy mạnh mẽ.
Polysaccharides trong lá ổi có thể được sử dụng như một chất phụ gia chống oxy hóa trong thực phẩm và điều trị bệnh tiểu đường.
Lá ổi (ảnh minh hoạ).
Bác sĩ Vũ cho biết: "Lá ổi có chứa nhiều chất chống oxy hóa, các chất xơ hòa tan, có hiệu quả nhất định trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch như:Kiểm soát và ổn định huyết áp, giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, giảm nguy cơ đột quỵ - tai biến, giảm cholesterol, giảm đường huyết".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lá ổi có thể giúp giảm cân, đốt cháy mỡ thừa. Ngoài ra, lá ổi còn có tác dụng cải thiện sức khỏe răng - nướu, cải thiện chất lượng làn da, tóc.
Theo Đông y, quả ổi có vị ngọt và chát, tính bình; có tác dụng cầm tiêu chảy, tiêu viêm, cầm máu.
Lá, rễ, vỏ thân cây đều có vị đắng, chát, tính bình; có tác dụng táo thấp kiện tỳ, thanh nhiệt giải độc; chủ trị đau bụng tả lỵ, bụng đầy do thực tích, răng lợi sưng đau, viêm khớp dạng thấp, sa trực tràng, đái tháo đường, thấp chẩn (eczema), lở loét ống chân, nhọt độc, sưng đau, xuất huyết, rắn độc cắn.
Vỏ ổi và lá đều chát, có nhiều chất tanin nên có thể làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột và có tác dụng kháng khuẩn nên thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn tính, kiết lỵ, trẻ em tiêu hoá kém. Liều dùng: 15-30g dạng thuốc sắc.
Bác sĩ Vũ cho hay, lá ổi tươi được dùng trị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét. Người dân thường dùng lá và quả ổi chữa tiêu chảy và đau bụng đi ngoài.
Một số bài thuốc từ lá ổi
Trị tiêu chảy: Lá ổi dùng một nắm khoảng 50g đem sắc với hai bát nước. Sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15-30 phút. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ. Có thể thêm đường.
Bệnh zona: Dùng lá búp ổi non 100g rửa sạch, thêm 10g phèn chua, 1g muối, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Có thể dùng nước thuốc để bôi.
Viêm dạ dày cấp: Lá ổi 30g thái nhỏ và rang với một nhúm gạo, thêm nước đun sôi, uống ngày hai lần.
Viêm ruột, kiết lỵ: Dùng 30-60g lá ổi tươi sắc uống.
Tổn thương do bị ngã, chảy máu do dao cứa: Dùng lá ổi tươi rửa sạch, giã nhuyễn đắp vào vết thương.
Kiêng kỵ: Người bị táo bón hoặc tả, lỵ có trướng bụng không tiêu không nên dùng là ổi.
Theo bác sĩ Vũ, lá ổi có chứa nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh ảnh hưởng sức khỏe.