Từ tháng 5 đến hết tháng 7 hàng năm, khắp các chợ thực phẩm đều tràn ngập sắc đỏ của quả vải. Đây là loại quả đặc sản của Việt Nam, đã được xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế nhưng quả vải không chỉ nổi danh về hương vị ngọt ngào hấp dẫn mà còn chứa đựng những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe.
Dinh dưỡng trong quả vải
Quả vải rất giàu dinh dưỡng (Ảnh: Nutrition Fact)
Thành phần chính của quả vải là nước và carb với tỷ lệ lần lượt là 82% và 16,5% trọng lượng của quả.
Trong 100g vải tươi có: 66 calo; 0,83g chất đạm; 16,5g carb; 15,2g đường; 1,3g chất xơ; 0,44g chất béo; 71,5mg vitamin C.
Chỉ 100g quả vải tươi - tương đương khoảng 10 quả vải - đã có thể cung cấp tới 95% hàm lượng vitamin C cần thiết trong ngày đối với nữ giới trưởng thành và 79% lượng vitamin C cần thiết đối với nam giới trưởng thành.
Quả vải cũng chứa một lượng nhỏ vitamin B, magiê, đồng và kali.
Cũng giống như các loại trái cây khác, quả vải là nguồn cung cấp các hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa tốt.
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên The Journal of Nutrition vào năm 2006, các tác giả có viết hàm lượng chất chống oxy hóa có trong quả vải cao hơn các loại trái cây thông thường khác. Chất chống oxy hóa trong quả vải gồm epicatechin, rutin, proanthocyanidin.
Tác dụng sức khỏe của quả vải
Quả vải tươi (Ảnh: Getty)
Một nghiên cứu năm 2015 chỉ ra rằng thịt quả vải rất giàu hợp chất thực vật có tên là proanthocyanidin. Theo đó, proanthocyanidin có thể mang lại những lợi ích sức khỏe như:
- Chống oxy hóa
- Ngăn ngừa việc phát triển mạch máu trong khối u ác tính (ức chế hoặc ngăn ngừa ung thư)
- Chống viêm
- Bảo vệ tim mạch
Proanthocyanidin cũng có trong các loại trái cây khác như táo, quả việt quất và nho.
Trong một đánh giá năm 2016, các nhà khoa học của Đại học Andhra (Ấn Độ) đã tìm thấy tác dụng có lợi của chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của cây vải trong cả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên con người. Các nhà khoa học nhận thấy các chiết xuất này có thể ức chế tế bào ung thư và virus, bảo vệ gan và tăng cường hiệu suất tập thể dục.
Một năm sau đó, trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học của Đại học Palermo (Ý) đã chỉ ra rằng cùi vải, đặc biệt là cùi vải sấy khô có đặc tính chống khối u. Các tác giả kết luận việc tiêu thụ loại trái cây này trong chế độ ăn uống có thể mang lại các lợi ích sức khỏe tuyệt vời.
Lưu ý khi ăn vải
Có rất nhiều cách để thưởng thức quả vải. Bạn có thể nhâm nhi một ly trà vải mát lạnh để giải khát vào ngày nóng, ngâm vải với rượu để được một thức uống thơm ngon, thêm vải vào món chè, sấy khô cùi vải để dùng dần hoặc đơn giản nhất là ăn quả vải tươi như một món tráng miệng hoặc món ăn vặt.
Tuy nhiên, khi ăn vải cần lưu ý ăn những quả vải còn tươi, đã chín. Không nên ăn quá nhiều vải. Đối với người bình thường chỉ nên ăn từ 5-10 quả vải/ngày.
Những người đang dùng các loại thuốc như thuốc chống đông máu (như warfarin hoặc heparin), thuốc chống kết tập tiểu cầu (như clopidogrel), thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen hoặc naproxen), thuốc chứa chất chống ung thư, thuốc kháng siêu vi, thuốc điều trị tim mạch hoặc mỡ máu cần thận trọng khi ăn vải.