Bộ Y tế chiều 2-6, cho biết theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5-5 đến ngày 30-5 trên địa bàn huyện Tủa Chùa (Điện Biên) ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng, xã Xá Nhè.
Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tất cả các trường hợp mắc đều liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò.
Tổn thương ngoài da của người bệnh mắc bệnh than (Ảnh minh họa)
Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, ngày 2-6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên; theo dõi người tiếp xúc gần ca bệnh; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.
Giám sát phát hiện bệnh than trên động vật để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người. Khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người...
Bệnh than lây nhiễm qua vết thương hở trên da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%) và ít nguy hiểm. Bệnh cũng qua đường tiêu hóa với khoảng 0,7% trường hợp mắc thể bệnh này. Nếu ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa rất cao.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp. Đây là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, với tỉ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.