Tuyến tụy đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển đổi thực phẩm được đưa vào cơ thể thành nhiên liệu cho các tế bào. Cơ quan này có hai chức năng chính đó là chức năng ngoại tiết giúp tiêu hoá và chức năng nội tiết điều chỉnh lượng đường trong máu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, ung thư tuyến tụy (ung thư tụy) là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 7 trong tất cả các loại ung thư trên toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, trong năm 2021 ước tính có khoảng 60.430 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và ước tính có khoảng 48.220 người chết vì căn bệnh này. Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tuyến tụy rất xấu, trên thực tế tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tuyến tụy chỉ khoảng 9.3%.
Tuyến tụy nhỏ bé và ít được quan tâm, nhưng ung thư tuyến tụy lại có tỷ lệ tử vong rất cao (Ảnh minh họa)
Lý do khiến ung thư tuyến tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Ngay cả khi được phát hiện, việc điều trị bệnh ung thư tuyến tụy cũng đạt hiệu quả thấp.
Tiến sĩ Liu Boren, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Di truyền và Y học Chức năng Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, điều đáng lo là đa số mọi người thường rất ít quan tâm đến tuyến tụy cho đến khi bộ phận này phát bệnh. Lấy dẫn chứng, ông kể về một nam bệnh nhân 49 tuổi đến khám vì da vàng, hay đau bụng và sụt cân. Tuy bề ngoài bệnh nhân không quá ốm yếu, nhưng kết quả xét nghiệm thì cho thấy ung thư tuyến tụy đã di căn khắp nơi và qua đời sau đó 3 tháng.
Bởi vì khó phát hiện, thời gian từ khi phát hiện tới khi tử vong rất ngắn, thậm chí chỉ một vài tháng nên căn bệnh này còn được gọi là “vua ung thư”. Tiến sĩ Liu nhắc nhở, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội điều trị, chúng ta cần hết sức lưu ý 5 lời “cầu cứu” từ tuyến tụy ở ngay giai đoạn đầu sau đây:
1. Đau vùng bụng trên
Khi mắc ung thư tụy, một trong những dấu hiệu thường gặp nhất là đau bụng. Đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1- 2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh, nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày.
Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau. Đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.
Đau bụng dai dẳng là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của ung thư tuyến tụy (Ảnh minh họa)
Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.
2. Vàng da, nước tiểu sẫm màu
Biểu hiện tiếp theo khi mắc ung thư tụy là vàng da, nước tiểu sẫm màu. Thường gọi là vàng da tắc mật.
Điểm khác biệt của vàng da do ung thư tuyến tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng. Hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu thường có màu cam hoặc nâu do cơ thể đang bị dư thừa bilirubin.
Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy. Trong một số trường hợp, vàng da là lý do khiến bệnh nhân đi khám và phát hiện bệnh ung thư tụy.
3. Lượng đường trong máu tăng bất thường
Nếu lượng đường trong máu tăng không rõ nguyên nhân, có thể tuyến tụy đang yêu cầu giúp đỡ. Ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu có thể dẫn đến tăng đường huyết do rối loạn tiết Insulin và Glucagon - 2 hormone điều hòa đường huyết của cơ thể.
Bởi tuyến tụy là cơ quan nội tiết của cơ thể con người và insulin của con người được tuyến tụy tiết ra. Insulin có thể giúp chúng ta ổn định lượng đường trong máu. Khi ung thư tuyến tụy xuất hiện, sự tiết insulin bất thường có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng không rõ nguyên nhân.
Điều đáng tiếc là nhiều người thường nghĩ mình mắc bệnh tiểu đường sau khi phát hiện lượng đường trong máu tăng cao. Nhưng nếu chỉ điều trị theo bệnh tiểu đường thì rất có thể ung thư tuyến tụy sẽ bị bỏ qua.
4. Chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân
Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, khi tuyến tụy bị tổn thương, quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng lớn, bệnh nhân thường chán ăn và sụt cân đột ngột.
Do tuyến tụy không chỉ là cơ quan nội tiết mà còn là cơ quan ngoại tiết, dịch tụy do tuyến tụy tiết ra có chứa natri bicarbonate, trypsinogen, lipase, amylase… Nước tụy được dẫn lưu vào tá tràng qua ống tụy, nơi nó tiêu hóa protein, chất béo và đường.
Mặt khác, khối u tụy kích thước lớn cũng ảnh hưởng đến dạ dày gây ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn ói… khi ăn
5. Hay đầy bụng và tiêu chảy
Bệnh nhân ung thư tuyến tụy dễ bị trướng bụng do dịch tụy tiết ra bất thường. Khi các khối u tuyến tụy phát triển và chèn ép thì nó có thể gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu... Chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh về dạ dày, đường ruột.
Dấu hiệu đầy bụng, chán ăn ở ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu dễ nhầm lẫn với vấn đề tiêu hóa (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân ung thư tuyến tụy cũng dễ bị tiêu chảy, hiện tượng mà mọi người gọi là chứng phân mỡ. Nguyên nhân là do dịch tụy tiết ra bất thường hoặc tắc nghẽn, dẫn đến không thể tiêu hóa thức ăn béo.
Trong một số trường hợp, các dấu hiệu vừa kể trên có thể là do bệnh lý khác. Tuy nhiên, Tiến sĩ Liu Boren khuyến cáo nên đi thăm khám sớm, đặc biệt là tầm soát ung thư tuyến tụy để tránh rơi vào cảnh hối hận cũng không kịp.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Cancer.net, Sunday More