Chị Đinh Lan H (35 tuổi, ở Hà Nội) bị mất kinh suốt 2 năm nay, cũng trong khoảng thời gian ấy chị không còn hứng thú trong chuyện “chăn gối”, dù vẫn luôn cố gắng để chiều chồng. Gần đây, khi tình trạng sức khỏe giảm sút khá nghiêm trọng, chị mới quyết định đi khám. “Ở tuổi 35 các bạn tôi vẫn đang phơi phới, vậy mà tôi giống như bà già khi da khô, tóc rụng… nên ai cũng khuyên nên đi khám”, chị H chia sẻ.
Chia sẻ với bác sĩ, chị H cho biết, bản thân từng bị rối loạn trầm cảm, lo âu. Cách đây 3 năm, sau khi sinh con được 3 tháng do bị mất sữa nên chị H lo lắng, căng thẳng kéo dài và tự mua thuốc Amisulpirid với liều lượng 200mg/ngày về sử dụng.
Trong suốt thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân xuất hiện tình trạng vú tự tiết sữa, có kinh lại 1 - 2 lần nhưng số lượng ít. Hai năm trở lại đây, bệnh nhân mất kinh hoàn toàn, giảm ham muốn tình dục.
Qua xét nghiệm, chị H biết được nguyên nhân mất kinh của mình là do tự ý dùng thuốc từ nhiều năm trước. Ảnh: BSCC.
Với tiền sử như trên, chị H được chỉ định làm các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy prolactin tăng cao. Với kết quả trên, các bác sĩ chẩn đoán, tình trạng của bệnh nhân là vô kinh thứ phát do tăng prolactin, nguyên nhân từ việc tự ý sử dụng thuốc chống loạn thần kéo dài không có sự điều chỉnh, tái khám của bác sĩ.
Theo bác sĩ chuyên khoa nội tiết ở một BV tại Hà Nội cho biết, trường hợp của chị H là lời cảnh tỉnh cho việc tự ý sử dụng thuốc điều trị mà không có sự tham vấn của bác sĩ. Điều này khiến tình trạng bệnh không được điều trị hiệu quả mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vị bác sĩ này chia sẻ không chỉ thuốc trầm cảm, bất kể loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ tới sức khỏe nếu tự ý sử dụng, thậm chí còn gây nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, người dân hãy thăm khám chuyên khoa, dùng thuốc theo đúng đơn kê và tư vấn của bác sĩ.
Với với tình trạng tăng prolactin máu mà nữ bệnh nhân trên mắc phải, bác sĩ cho biết, prolactin là một hormone quan trọng trong cơ thể, đặc biệt liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sữa cũng như các chức năng sinh dục của cả hai giới.
Việc tự ý dùng thuốc như thuốc chống trầm cảm, huyết áp rất dễ dẫn tới nguy cơ tăng prolactin, dẫn tới ảnh hưởng nội tiết và chức năng sinh sản. Ảnh minh họa.
Tình trạng tăng prolactin máu có thể do nhiều nguyên nhân như dùng thuốc chống trầm cảm, một số loại thuốc huyết áp như nhóm chẹn kênh calci, methyldopa, thuốc kháng histamin H2...; Hoặc do kích thích bài tiết prolactin vùng dưới đồi: suy giáp nguyên phát, suy thượng thận; Do u tuyến yên, u trên yên chèn ép vào cuống tuyến yên.
Ngoài bệnh lý, tăng prolactin có thể cũng do vấn đề sinh lý như có thai, kích thích vùng ngực như xoa nắn ngực, kích thích núm vú hay phẫu thuật vùng ngực. Được biết, khi chỉ số prolactin máu tăng cao ảnh hưởng đến cả hai giới, tuy nhiên ở nữ giới thường có các triệu chứng sớm và rõ ràng hơn như giảm ham muốn tình dục, vú tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt. Còn ở nam giới tăng prolactin có thể gây vô sinh hiếm muộn, rối loạn cương dương...
Do vậy, khi có tiền sử mắc các bệnh lý trên hoặc dùng các thuốc điều trị bệnh, nhất là không theo chỉ định của bác sĩ nếu có các biểu hiện trên thì cần thăm khám càng sớm, càng tốt. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp tránh biến chứng vô sinh cũng như hạn chế ảnh hưởng đến các bộ phận nội tiết khác.