Sun Yalong, 36 tuổi, là một MC nổi tiếng ở Tô Châu, Trung Quốc. Vào ngày 6/4, anh chia sẻ trên Weibo rằng mình nhắm mắt nhưng mắt khép hờ, không khép kín được, bên trái khuôn mặt không có biểu cảm khi nhăn mặt, cười... Tuy nhiên, anh không thấy có dấu hiệu bất thường gì khác, vẫn ăn uống, hoạt động bình thường được.
MC nổi tiếng bị đột quỵ ở tuổi 36 dù không hút thuốc, uống rượu. (Ảnh: Sohu)
Mặc dù vậy, Sun Yalong quyết định vào bệnh viện kiểm tra xem sao. Ngày 7/4, anh cập nhật tình trạng sức khỏe của mình và nói: "Khả năng cao là không bị nhồi máu não! Trời ơi, tôi thực sự không thể tin nổi".
Vào ngày 8 tháng 4, anh lại "báo cáo" với người hâm mộ: "Thật khủng khiếp! Tôi thực sự đã bị đột quỵ! Bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện ngay lập tức! Trong khoảng 1 tuần nữa! Bác sĩ nói: Vấn đề này của tôi thường xảy ra với những người trên 50 tuổi!".
Tối 8/4, chẩn đoán bệnh của Sun Yalong đứng đầu danh sách tìm kiếm. Nam MC khẳng định, mình không uống rượu, bỏ thuốc lá từ rất lâu, không bị ho... Vấn đề duy nhất chỉ là chất lượng giấc ngủ kém. Cụ thể, Sun Yalong thường xuyên ngủ không đủ, ngủ không sâu giấc.
Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ của MC nổi tiếng, được bác sĩ xác định là do mệt mỏi quá mức, thường xuyên thức khuya, tinh thần uể oải.
Khi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, bác sĩ khám cho Sun Yalong khẳng định do chưa đảm bảo giấc ngủ. Ngủ không đủ, ngủ không sâu giấc chính là triệu chứng cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ nhưng đã bị bỏ qua.
Ảnh minh họa: AI.
Những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ
1. Lối sống thiếu lành mạnh
- Thức khuya: Xã hội hiện đại có nhịp độ phát triển nhanh, việc thức khuya của giới trẻ đã trở thành thông lệ. Thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
- Lười vận động: Ngồi lâu, thiếu vận động trong công việc và cuộc sống dễ dẫn đến máu lưu thông kém, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.
- Hút thuốc và uống rượu: Hút thuốc và uống rượu quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Các chất có hại trong thuốc lá có thể làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch.
2. Môi trường làm việc áp lực, căng thẳng cao
- Áp lực nơi làm việc: Công việc căng thẳng và có tính cạnh tranh, người trẻ thường chịu áp lực cao. Căng thẳng tinh thần lâu dài có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Làm việc quá sức: Làm việc nhiều giờ, làm việc quá sức, không được nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ cho cơ thể rất dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
3. Thói quen ăn uống không lành mạnh
- Chế độ ăn nhiều muối và nhiều chất béo: Sự phổ biến của đồ ăn nhanh, đồ ăn mang về đã khiến bạn nạp nhiều muối và chất béo vào cơ thể hơn. Những thói quen ăn uống không lành mạnh này có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng mỡ máu cao, huyết áp cao và tăng nguy cơ đột quỵ.
- Thiếu cân bằng dinh dưỡng: Người trẻ bận rộn với công việc thường bỏ qua việc cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống. Chế độ ăn của họ dễ thiếu trái cây và rau củ dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch.
Ảnh minh họa.
4. Có các bệnh lý tiềm ẩn
- Huyết áp cao và tiểu đường: Tỷ lệ huyết áp cao và tiểu đường đang gia tăng ở những người trẻ tuổi. Những tình trạng mãn tính này là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ.
- Di truyền từ gia đình: Một số người trẻ có thể bị di truyền từ gia đình có người mắc bệnh tim mạch. Họ cũng dễ mắc bệnh sớm do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt không tốt.
Vì vậy, đừng nghĩ rằng bạn có thể sống tùy hứng khi còn trẻ! Để tránh bị đột quỵ, tốt hơn hết bạn nên điều chỉnh lối sống sớm và giữ gìn sức khỏe nhé!
Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ ngay cả khi bạn còn rất trẻ?
- Duy trì lối sống lành mạnh, đừng thức khuya, hãy ngủ đủ giấc.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả, hạn chế thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo, nhiều đường.
- Tập thể dục điều độ.
- Học cách kiểm soát cảm xúc.
- Khám sức khỏe định kỳ.